Một buổi sáng, tôi ngồi cặm cụi bên chiếc laptop, nắn nót từng con chữ cho bài viết sắp tới. Mò mẫm đến trưa, phù, cuối cùng cũng viết xong. Tuy nhiên khi đọc lại, nhân cách “cây bút cầu toàn” trong tôi trỗi dậy, như nhà phê bình khó tính: “Đoạn này viết dở quá”, “Đáng lẽ câu này có thể dễ đạt tốt hơn”, “Từ này chưa hay”…
Thế là suốt cả buổi chiều hôm ấy, tôi ngồi sửa đi sửa lại bài viết theo ý của “cây bút cầu toàn”. Bạn nghĩ thành phẩm sẽ tốt hơn ư?
Không! Dở ẹt!
Thế quái nào bài viết tôi chăm chút cả buổi chiều còn tệ hơn bài viết mà tôi viết vội ban sáng? Và tại sao khi tôi càng theo đuổi sự hoàn hảo, thì hoàn hảo lại càng lẩn tránh tôi?
Trong giây phút đó, tôi, một tín đồ của chủ nghĩa hoàn hảo quyết tâm đi tìm đáp án cho câu hỏi này. Và đây là một bài viết không hoàn hảo, đi tìm lời giải đằng sau hai chữ “hoàn hảo”.
Người cầu toàn là gì?
Tôi, một người cầu toàn, tự nhận mình là một tín đồ trung thành của chủ nghĩa hoàn hảo. Ám ảnh hoàn hảo trong tôi lớn đến mức, đã từng có khoảng thời gian, tôi dành cả tháng trời chỉ để viết đi viết lại một bài viết.
Bạn hỏi tôi bỏ nhiều thời gian như vậy để làm gì ư? Bởi vì tôi xem bài viết như một tác phẩm nghệ thuật, và muốn nó là tác phẩm hay nhất. Tôi cảm thấy không hài lòng với bài viết hiện tại, cũng như luôn nghĩ rằng nhất định có cách khác viết hay hơn. Tôi cứ mãi ngồi thêu hoa dệt gấm. Thế rồi thành quả sau cùng chẳng biết hay hơn bao nhiêu, nhưng chắc chắn ngốn của tôi rất nhiều thời gian.
Tôi là một nạn nhân điển hình của chủ nghĩa hoàn hảo. Theo trang Verywell Mind, chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism) là đặc điểm tính cách của một người. Đặc trưng bởi người đó có xu hướng đặt ra các mục tiêu cực kỳ cao, cứng nhắc hoặc “hoàn hảo”. Bên cạnh đó, họ cũng áp đặt những yêu cầu, tiêu chuẩn quá mức đối bản thân và những người xung quanh.
Vậy người cầu toàn có tốt không? Điều này còn tùy thuộc vào “trường phái” mà bạn đang theo đuổi. Có thể phân chia chủ nghĩa hoàn hảo thành 2 trường phái riêng biệt như sau:
- Chủ nghĩa hoàn hảo thích nghi (Adaptive perfectionism): Bạn có tiêu chuẩn cao, phấn đấu để đạt được sự hoàn hảo, nhưng đồng thời vẫn cảm thấy hài lòng với những điều mình đạt được, chấp nhận rằng mình không thể kiểm soát được tất cả. Việc theo đuổi sự hoàn hảo mang đến cho bạn động lực, niềm vui và thái độ tích cực đối với cuộc sống.
- Chủ nghĩa hoàn hảo không thích nghi (Maladaptive perfectionism): Bạn có ám ảnh hoàn hảo một cách cực đoan. Thích đặt ra các mục tiêu và tiêu chuẩn không tưởng. Đồng thời có xu hướng chỉ trích, hạ thấp bản thân nếu không thể đạt được chúng. Việc theo đuổi sự hoàn hảo này không giúp bạn tốt hơn mà còn gây trở ngại cho cuộc sống của bạn. Tệ hơn, nó khiến bạn tự tổn thương chính mình.
Chiếc bẫy cầu toàn
Truyền thuyết Trung Hoa có một vị thần tên Khoa Phụ. Thấy mặt trời ngày ngày mọc rồi lại lặn, vị thần này quyết tâm đuổi theo mặt trời, bắt nó nghe theo ý mình. Đuổi mãi từ Đông sang Tây, cho đến khi Khoa Phụ bị sức nóng của mặt trời đốt đến khát khô, uống bao nhiêu nước cũng không đủ. Sau cùng, ông kiệt sức và chết khi chưa chạm đến mặt trời.
Ví mặt trời là sự hoàn hảo, bạn có thấy chúng ta giống Khoa Phụ hay không? Đuổi theo mặt trời, cuối cùng chắc chắn sẽ gục ngã ở một nơi nào đó. Trong khi mặt trời vẫn ở nơi mà chúng ta chẳng bao giờ có thể chạm đến. Rõ ràng, theo đuổi sự hoàn hảo là một cái bẫy chết người.
Vậy tại sao chúng ta cứ mãi rơi vào chiếc bẫy nguy hiểm ấy? Đó là vì:
Tất cả hoặc không có gì
Hoặc là bài viết của tôi đủ hoàn hảo và nó sẽ trở thành tuyệt tác. Hoặc là nó không hoàn hảo và xứng đáng bị vứt vào sọt rác. All or nothing. Hoàn hảo hoặc không có gì hết!
Đó là một niềm tin rằng, chỉ hoàn hảo mới có giá trị, trong khi không hoàn hảo đồng nghĩa với vô giá trị.
10 điểm? Rất tốt! 9 điểm? Thất bại!
Rất tốt? Đó là một lời khen! Khá tốt? Đó là một lời chê bai!
Đứng ở một thái cực của vấn đề, sau đó phủi sạch toàn bộ cực còn lại. Với cách tư duy này, việc theo đuổi sự hoàn hảo đối với tôi là bắt buộc. Bởi nếu không, những điều tôi làm sẽ chẳng đáng giá một xu.
Nỗi sợ
“Tôi là người cầu toàn.”
Bạn có thể hiểu theo nghĩa tương tự là: “Tôi sợ…”
Nỗi sợ là nguồn gốc của chủ nghĩa cầu toàn. Tôi muốn mọi thứ trông thật hoàn hảo không phải vì mong muốn tốt hơn, mà là vì tôi đang sợ hãi. Như tác giả Michael Law đã viết rằng: “Về cơ bản, chủ nghĩa hoàn hảo không thực sự là tình yêu sâu sắc dành cho sự tỉ mỉ. Nó là về nỗi sợ hãi. Sợ mắc lỗi. Sợ làm người khác thất vọng. Sợ thất bại. Sợ thành công.”.
Một thế giới đề cao sự hoàn hảo
Đây là một thế giới tất cả mọi người tôn sùng sự hoàn hảo. Nơi lời khen “bạn hoàn hảo quá!” là sự công nhận lớn nhất mà mọi người dành cho tôi. Và để đạt được công nhận lớn lao ấy, tôi buộc phấn đấu để trở thành người hoàn hảo nhất có thể. Nỗi sợ trong tôi nói rằng, nếu như không hoàn hảo, tôi sẽ như cánh chim lạc bầy, bơ vơ giữa thế giới này…
Ở một thời đại mà sự kết nối giữa con người với con người mạnh mẽ như hiện tại. Bị bỏ rơi, đồng nghĩa với chết…
Biểu hiện của người cầu toàn là gì?
- Tôi luôn muốn bắt đầu mọi thứ theo cách hoàn hảo nhất. Nếu như cảm thấy mong muốn ấy không thể thực hiện được, tôi sẽ trì hoãn hoặc tránh né nó.
- Tôi thích “vạch lá tìm sâu” những khuyết điểm, thiếu sót của bản thân và người khác.
- Trong từ điển của tôi, chỉ có “tốt” hoặc “không tốt”, còn “khá tốt” đồng nghĩa với thất bại.
- Tôi áp đặt nhiều tiêu chuẩn, mục tiêu vượt ngoài tầm với của bản thân.
- Tôi luôn cảm thấy “không hài lòng” hoặc “thiếu một chút”.
- Tôi rất để tâm đến đánh giá của người khác, nếu họ cho rằng điều đó chưa tốt, vậy tức là chưa tốt.
- Nhà phê bình nội tâm trong tôi là một “kẻ khó tính”, luôn chỉ trích thậm tệ mỗi khi tôi mắc sai lầm hoặc thất bại.
- Tôi thường bỏ ra nhiều thời gian cho tiểu tiết, dù đôi khi chúng không thật sự quá cần thiết.
- Nếu bớt khắt khe đi, tôi cảm thấy mình sẽ làm mọi thứ nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều.
Rơi vào chiếc “bẫy” cầu toàn khiến cuộc sống của tôi tồi tệ ra sao?
Những nhân vật lớn dường như luôn có một chút “gen hoàn hảo” trong người. Từ Leonardo De Vinci, Mozart cho đến Steve Jobs, Elon Musks,… Tuy nhiên, chúng ta sẽ không nhìn lên đỉnh núi, mà hãy nhìn xuống vực thẳm tối tăm. Ở đó cũng có những con người cầu toàn, nhưng mãi mãi mắc kẹt trong chiếc bẫy mang tên chủ nghĩa hoàn hảo. Và chiếc bẫy ấy sẽ từ từ bóp nghẹt cuộc sống của họ. Bằng cách:
- Bóp nghẹt sự phát triển: “Chủ nghĩa hoàn hảo là một tấm khiên nặng hai mươi tấn mà chúng ta mang theo bên mình, với suy nghĩ rằng nó sẽ bảo vệ chúng ta nhưng thực tế, đó chính là thứ ngăn cản chúng ta cất cánh.” – Giáo sư Brené Brown.
- Bóp nghẹt thành công: “Hoàn hảo là kẻ thù của lợi nhuận. Hoàn hảo là kẻ thù của thành công. Bạn không cần phải hoàn hảo, bởi vì không ai có thể hoàn hảo.” – Tỷ phú Mark Cuban
- Bóp nghẹt giấc mơ: “Chủ nghĩa hoàn hảo là kẻ giết chết ước mơ, bởi vì thực chất nó chỉ là nỗi sợ hãi đội lốt sự cố gắng hết mình. Nó đơn giản là như vậy.” – Diễn giả Mastin Kipp.
- Bóp nghẹt hạnh phúc: “Chủ nghĩa hoàn hảo là tiếng nói của kẻ áp bức, kẻ thù của nhân dân. Nó sẽ khiến bạn phát điên suốt cuộc đời.” – Tiểu thuyết gia Anne Lamott.
5 bước thoát khỏi bẫy cầu toàn
Không bao giờ có thời cơ hoàn hảo, chỉ có thời cơ thích hợp. Và thời cơ thích hợp nhất để bạn thoát ra khỏi chiếc bẫy cầu toàn đang âm thầm phá hủy cuộc đời mình là ngay tại đây, ngay tại giây phút này. Vì lẽ đó, bạn đã sẵn sàng không hoàn hảo chưa?
Vượt qua nỗi sợ bắt đầu
Bạn đang chờ đợi một thời điểm hoàn hảo để bắt đầu dự định của mình? Vậy thì tôi sẽ đóng vai phản diện, trân trọng thông báo cho bạn một tin buồn rằng, thời điểm ấy chẳng bao giờ xuất hiện đâu. Bạn chỉ đang lãng phí thời gian mong chờ một điều vốn dĩ không hề tồn tại trên đời này.
Như nữ diễn viên Marilu Henner từng nói: “Đừng để chủ nghĩa hoàn hảo trở thành cái cớ cho việc không bao giờ bắt đầu!”. Thay vì ngồi chờ đợi, bạn hãy hành động, sai cũng được, ngốc nghếch cũng chẳng sau, ông bà ta dạy “Vạn sự khởi đầu nan” mà!
Một khi bắt tay vào hành động, xin chúc mừng, bạn đã thành công vượt qua cửa ải khó khăn nhất: bắt đầu. Đồng thời, bạn cũng đánh bại tên đồng minh thân cận nhất của chủ nghĩa hoàn hảo – sự trì hoãn.
Đừng để Ngụy biện Niết bàn dẫn dắt
Ngụy biện Niết bàn (Nirvana Fallacy) phản bác hoặc chối bỏ một giải pháp khả thi nhất, chỉ vì nó không hoàn hảo. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp lối ngụy biện này xuất hiện nhan nhản trong cuộc sống. Tỷ như chính sách này không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề, nó thật vô dụng! Hay uống thuốc này không thể chữa hết bệnh cho tôi, vậy thì uống làm gì cho mất công?
Ngụy biện Niết bàn bắt nguồn từ niềm tin luôn luôn có một giải pháp hoàn hảo. Tuy nhiên, đây là niềm tin cực kỳ tai hại, bởi lẽ trên đời này làm gì có giải pháp nào hoàn hảo không tì vết?
Đừng mãi đi tìm giải pháp hoàn hảo để rồi mắc kẹt tại đó. Mỗi khi đối mặt với một vấn đề, hãy nghĩ đến phương án khả thi và thích hợp nhất với bạn. Đó là phương án mà bạn có thể thực hiện ngay bây giờ, chứ không phải trong một viễn cảnh tương lai tươi đẹp nào đó.
Quy tắc 70%
“Tôi đã làm hết sức”, “Tôi muốn được 10 điểm”, “Tôi muốn mọi chuyện thật vẹn toàn”.
Những người cầu toàn là những tín đồ của con số 100%. Họ thích tự đặt bản thân vào ngưỡng tối đa, hoạt động hết sức mình, với suy nghĩ rằng chỉ như vậy mới có thể mang đến thành quả tốt nhất.
“Bùm”.
Họ choáng ngợp. Họ quá tải. Họ kiệt quệ. Đuổi theo con số 100% chẳng khác nào họ luôn đặt bản thân vào trạng thái hoạt động hết công suất, khi ấy ngay cả máy móc cũng không chịu nổi.
Vậy nên, quy tắc 70% ra đời. Hãy nỗ lực 70%, để mọi thứ “đủ tốt” ở mức 70%, cũng như chỉ đầu tư 70% thời gian và công sức của bạn vào mọi việc.
Chờ đã, bạn nghĩ điều này là hời hợt, nửa vời ư?
Không!
Quy tắc 70% không chỉ giúp bạn đi nhanh hơn, hiệu quả hơn mà còn tháo gỡ những gánh nặng vô hình trong tâm trí bạn. Nó giúp hạn chế rủi ro “nổ máy” trong khi bạn nỗ lực hết mình, nhưng thành quả nhận lại chẳng xứng đáng đáng với công sức đã bỏ ra.
Nếu các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ,… cố gắng biến tác phẩm của mình xuất sắc 100%, thì có lẽ thế giới này sẽ chẳng có quyển sách, bức tranh hay bài hát nào được xuất bản nữa. Vì lẽ đó, 70% là đủ rồi!
Tận hưởng hành trình
Trong mỗi hành trình, hướng về vạch đích là mục tiêu, còn tận hưởng quá trình là điều tất yếu để dẫn đến mục tiêu ấy. Vì thế, đừng bỏ qua ngắm nhìn cảnh đẹp, hoa thơm dọc đường bạn nhé! Thay vì mỗi giây mỗi phút mơ đến thành quả, hãy dành trọn những giây phút quý báu đó cho những điều bạn đang làm, ngay tại đây, ngay bây giờ.
Bạn có thể thay đổi một chút từ ngữ để quá trình nhẹ nhàng và đáng mong chờ hơn. Nếu tự nhủ rằng “Tôi phải…” khiến bạn thấy nặng nề và bắt buộc, thì giờ đây bạn hãy nói “Tôi sẽ…”.
Bằng cách giảm đi gánh nặng trong từ ngữ, bạn có thể biến một việc từ nặng trĩu, nhàm chán trở nên nhẹ tênh, thú vị. Bởi lẽ, từ ngữ là ma thuật rất thần kỳ mà, đúng chứ?
Hãy trắc ẩn với chính mình
Việc theo đuổi chủ nghĩa cầu toàn đôi khi là một cách tự ngược đãi bản thân. Nó bắt nguồn từ một niềm tin rằng “Tôi không đủ tốt”, “Tôi không xứng đáng”… Những niềm tin này thôi thúc bạn truy cầu hoàn hảo để được công nhận, nhưng cũng đồng nghĩa với nếu bạn chưa hoàn hảo, sẽ chẳng bao giờ bạn thoát khỏi bọn chúng. Và trên đời này chẳng có sự hoàn hảo!
Vậy là bạn sẽ sống cả đời với những niềm tin tiêu cực?
Đương nhiên là không rồi! Bạn hoàn toàn có thể đá bay chúng, tuy nhiên không phải bằng cách trở thành người hoàn hảo, mà là trao cho bản thân lòng trắc ẩn (self compassion).
Đối xử với chính mình như thể đối xử với một người mà bạn yêu quý. Đó là người bạn sẵn sàng tha thứ cho những thất bại của họ. Họ có nhiều khuyết điểm, thiếu sót nhưng chẳng sao cả, bạn chấp nhận điều đó. Bạn trân trọng khía cạnh tốt đẹp của họ, xem đó là món quà quý giá nhất. Và thành công nhỏ hay to, bạn cũng sẽ nâng ly ăn mừng cùng họ.
Nếu người đó chưa xuất hiện, đừng tìm đâu xa, bởi người đó là bạn. Bạn xứng đáng được đối đãi như thế!
Lời kết
Thở phào, viết được đến dòng này là cả một quá trình tôi vật lộn với tính cầu toàn quá quắt trong mình. Một thành tựu đáng ăn mừng! Dù rằng bài viết này không hoàn hảo, nhưng mong rằng nó sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về chủ nghĩa cầu toàn đang tàn phá cuộc đời mình.
Bên cạnh đó, có thể tiếp thêm dũng khí cho bạn để sẵn sàng “không hoàn hảo”. Để kết thúc bài viết này, tôi muốn mượn lời của danh họa Salvador Dali nhắn nhủ đến chúng ta rằng: “Đừng sợ sự hoàn hảo – bạn sẽ không bao giờ đạt được nó.”. Vậy nên, thoải mái đi!