You are currently viewing Self concept: Cùng viết nên định nghĩa con người bạn

Self concept: Cùng viết nên định nghĩa con người bạn

Hồi đi học, nỗi ác mộng kinh hoàng của tôi là những khái niệm trong sách giáo khoa. Đối với một học sinh não cá vàng như tôi, việc giải mã những khái niệm ấy giống như tháo bom như thế. Chỉ cần chép sai vài chữ, boom, thế là trứng ngỗng rơi lộp bộp. 

Chép lại khái niệm đã khó, tự tạo ra một khái niệm còn khó gấp nhiều lần. Đây đáng lẽ là công việc của những nhà khoa học với bộ óc phi thường. Ấy vậy mà ngay trong đời sống thường nhật này, vẫn có một khái niệm ngày ngày được chúng ta viết nên – một khái niệm về chính mình. Đó là Self Concept. 

Vậy Self Concept là gì? Nó hình thành như thế nào? Và làm sao để xây dựng một khái niệm về bản thân tích cực? Cùng tôi khám phá nhé! 

Self Concept là gì? 

Khái niệm về bản thân (Self Concept) là những mô tả, đánh giá về bản thân của một người. Điều này bao gồm những đặc điểm tâm lý, thể chất, phẩm chất, kỹ năng, vai trò… của người đó (Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ). 

Tưởng tượng bạn là một nhà nghiên cứu đang chuẩn bị công bố dự án nghiên cứu mang tên “bản thân”. Vậy thì Self Concept chính là tất cả những quan sát, ghi chép của bạn trong nghiên cứu ấy. Ví dụ, nếu thường xuyên đạt thành tích cao trong học tập, bạn sẽ tự đánh giá “mình là một người giỏi phết!”. Ngược lại nếu thành tích học tập của bạn đội sổ, đánh giá đó sẽ biến thành “ôi, mình thật là một người ngốc nghếch!”

Self Concept bắt nguồn từ những trải nghiệm, tương tác và cách phản ứng của bạn đối với thế giới xung quanh. Thông qua đó, bạn sẽ có những mô tả về bản thân mình. 

Những mô tả ấy có thể tích cực (tôi rất được người khác yêu quý), có thể tiêu cực (tôi bị người khác xa lánh và ghét bỏ), có thể đúng (một số người yêu quý tôi, một số khác thì không), có thể sai (tất cả mọi người trên thế giới này đều ghét tôi). Tất cả tạo thành một “tập hợp có tổ chức, nhất quán của nhận thức và niềm tin về bản thân” (Carl Rogers).

Đến đây, bạn sẽ có đáp án cho một trong những câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc sống – câu hỏi tôi là ai

Đọc thêm: Thử thách 30 ngày từ bỏ thói quen suy nghĩ tiêu cực

3 yếu tố hình thành nên khái niệm về bản thân 

Việc khái niệm bản thân không diễn ra ngày một ngày hai, nó là hành trình xuyên suốt những năm tháng trưởng thành. Đằng sau mỗi một mô tả về bản thân là vô số những trải nghiệm riêng biệt. Và theo Carl Rogers, nhà tâm lý học nhân văn người Mỹ, có 3 mảnh ghép chính góp phần hình thành nên Self Concept: 

Hình ảnh về bản thân – Self Image là gì?  

Nếu giáo viên giao cho bạn một đề văn miêu tả về chính mình? Bạn sẽ viết như thế nào? 

Hình ảnh về bản thân (Self Image) là cách bạn viết bài văn miêu tả về chính mình. Trong bài văn ấy bao gồm các ấn tượng, niềm tin, đánh giá… của bạn đối với bản thân. 

Những miêu tả này thường xuất phát từ góc nhìn chủ quan mà không hoàn toàn chính xác so với thực tế. Bạn vừa có thể “phóng đại” ngòi bút, miêu tả mình tốt hơn, lại vừa có thể “hạ thấp” ngòi bút, miêu tả bản thân tệ hơn so với hiện thực. Việc miêu tả như thế nào phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận về chính mình. Điều này góp phần quyết định lòng tự tin và cảm giác giá trị của bạn. 

Để xác định hình ảnh về bản thân, nhà tâm lý học xã hội Morris Rosenberg  chỉ ra 6 khía cạnh quan trọng sau: 

  • Khía cạnh vật lý (The Physical Dimension): Bạn đánh giá ngoại hình của mình như thế nào? Sức khỏe thể chất của bạn ra sao? Đặc điểm nào trên cơ thể khiến bạn cảm thấy tự ti hoặc tự hào? 
  • Khía cạnh tâm lý (The Psychological Dimension): Bạn thấy mình có tính cách như thế nào? Mọi người xung quanh xem bạn là một người ra sao? 
  • Khía cạnh trí tuệ (The Intellectual Dimension): Trình độ học vấn của bạn là gì? Bạn có xem mình là một người thông minh? 
  • Khía cạnh kỹ năng (The Skills Dimension): Đâu là những kỹ năng cứng mà bạn sở hữu có thể giúp ích cho công việc và đời sống? Bạn có kỹ năng mềm tốt hay không? 
  • Khía cạnh đạo đức (The Moral Dimension): Đâu là những giá trị đạo đức mà bạn xem trọng và noi theo? Những nguyên tắc bất khả xâm phạm trong cuộc sống của bạn là gì? 
  • Khía cạnh giới tính (The Sexual Dimension): Bạn có thấy mình hòa hợp với các tiêu chuẩn nam tính/ nữ tính của xã hội?

Lòng tự trọng – Self Esteem là gì? 

Lòng tự trọng (Self Esteem) được hiểu là ý thức của bạn về giá trị bản thân. Đây là đáp án cho câu hỏi: “Bạn đáng giá bao nhiêu?”. Nếu như bạn dõng dạc đáp rằng “tôi là vô giá và quý báu nhất trên đời”, điều này cho thấy bạn là một người có lòng tự trọng cao. Ngược lại, nếu bạn ỉu xìu trả lời: “Tôi chẳng đáng giá một xu”, rất có thể bạn lòng tự trọng của bạn đang ở mức thấp đáng báo động.

Dưới đây là một số câu hỏi mà tôi tổng hợp được giúp bạn đánh giá lòng tự trọng của mình: 

  • Bạn có thường xuyên tự nghi ngờ năng lực của bản thân? 
  • Đối với những thành tựu trước giờ, bạn có cảm thấy chúng là do ăn may và bạn không xứng đáng với điều đó? 
  • Đối mặt với thách thức, bạn có tự tin rằng mình sẽ vượt qua hay không? 
  • Những thành công đạt được cho đến hiện tại, bạn cảm thấy tự hào hay tự ti về chúng? 
  • Bạn có thường xuyên so sánh bản thân với người khác và thấy mình thua kém họ hay không? 
  • Nỗi sợ của bạn lớn đến mức nào khi đối diện với thất bại, chỉ trích hay lời từ chối? 
  • Trên thang điểm 10, mức độ coi trọng ngoại hình, phẩm giá, năng lực của bạn là bao nhiêu? 

Bản thân lý tưởng – Ideal Self là gì? 

“Bạn muốn trở thành ai?” 

Đó là câu hỏi để tìm thấy bản thân lý tưởng, người mà bạn mong muốn trở thành. Người ấy có thể sở hữu đặc điểm ngoại hình mà bạn hằng mong ước, có tính cách và phẩm chất mà bạn ngưỡng mộ, hay một sự nghiệp, mối quan hệ đáng mơ ước. Người ấy là bạn, nhưng là phiên bản lý tưởng hóa nhất. 

Bản thân lý tưởng (Ideal Self) hình thành từ 2 yếu tố chính: mong muốn cá nhân và kỳ vọng xã hội. Việc sở hữu một hình mẫu lý tưởng vừa là mục tiêu, vừa là động lực để bạn phấn đấu đạt được mục tiêu ấy. 

Đáng chú ý, con người lý tưởng của bạn có thể khác biệt so với cách bạn nhìn nhận bản thân ở hiện tại. Điều này tạo ra khoảng cách nhất định giữa bản thân lý tưởng (Ideal Self) và hình ảnh về bản thân (Image Self). Và đôi khi, toàn bộ hành trình phát triển cá nhân của bạn chỉ gói gọn trong việc xóa tan khoảng cách này. 

Đọc thêm: Tìm lại chính mình giữa thế giới xô bồ

Vì sao Self Concept quan trọng đối với bạn? 

Nếu cuộc đời là một bài thi, thì dù trả lời thế nào, hãy chắc chắn rằng bạn không chép sai khái niệm, bằng không một con số 0 tròn trĩnh sẽ nằm chình ình trong cuộc đời của bạn. 

Dưới đây là minh chứng về tầm quan trọng của Self Concept: 

  • Trau dồi tự nhận thức: Có bao nhiêu điều thú vị về con người bạn? Điểm độc đáo của bạn là gì? Những kho báu nào trong bạn chưa được khai phá? Đáp án nằm đâu đó trong những khái niệm mà bạn viết nên cho chính mình. 
  • Quyết định hành động: Bạn định nghĩa bản thân như thế nào, bạn sẽ hành động như thế ấy. Nếu bạn định nghĩa mình tự tin, hành động của bạn sẽ chứng minh điều ấy. 
  • Tự chủ: Hoặc là bạn tự viết nên khái niệm về mình, hoặc là xã hội sẽ thay bạn làm điều đó. Một khi người khác nhúng tay, bạn tựa như một cục bột qua tay hàng trăm thợ bánh. Mỗi người một ý. Và thành phẩm cuối cùng sẽ là một mớ hỗn độn. 
  • Định hướng cuộc sống: Với những người có khái niệm về bản thân rõ ràng, con đường mà họ đi sẽ luôn có những tấm biển chỉ đường. Vì thế dù cho có lạc vào sương mù, họ vẫn sẽ luôn biết được con đường đúng đắn. 

5 bước vun đắp khái niệm tích cực về bản thân 

Self Conself tích cực là việc vun đắp những nhận thức về bản thân xoay quanh những đặc điểm tốt đẹp, thành công điểm mạnh, phẩm chất quý giá,.. của bạn. Điều này ngược lại với Self Concept tiêu cực, nơi bạn viết nên khái niệm về chính mình thông qua những thất bại và niềm tin độc hại.

Vun đắp khái niệm về bản thân tích cực sẽ mang đến cuộc sống hạnh phúc, giúp nâng cao lòng tự trọng và giá trị của chính bạn. Vậy nên, hãy bắt đầu với nó ngay từ hôm nay: 

Sự yêu thương bản thân vô điều kiện là chìa khóa 

“Tôi sẽ yêu thương bản thân nếu tôi thành công hơn, xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn…vân vân”. Bây giờ việc của bạn là gạch bỏ hết vế đằng sau chữ “nếu”. Bạn chỉ cần “Tôi yêu thương bản thân”. Chấm hết. Bởi lẽ bản thân không phải hàm IF, thế nên đừng áp đặt cho nó bất cứ điều kiện nào để được yêu thương. 

Yêu thương bản thân vô điều kiện là khi bạn dành tình yêu cho chính mình, bất chấp bản thân không hoàn hảo và nhiều khiếm khuyết. Đó là khi bạn đối xử với bản thân như cách bạn mong muốn người khác đối xử với chính mình. Vị tha và giàu lòng yêu thương. Bạn sẽ bớt khắt khe với các thất bại, thiếu sót, cũng như thôi tự đặt lên vai những áp lực, kỳ vọng nặng trĩu. 

Viết happy ending cho câu chuyện của bạn 

Mỗi ngày là một câu chuyện. Bạn là người kể chuyện. Và thính giả trung thành nhất là tâm trí. 

Do vậy, cẩn thận với những câu chuyện do bạn kể. Nếu ngày ngày bạn kể cho tâm trí nghe toàn lời than phiền, trách móc, rằng thế giới đối xử tệ với bạn ra sao,… Năm qua năm, tâm trí sẽ góp nhặt những mẩu chuyện nhỏ ấy để tạo thành câu chuyện lớn mang tên cuộc đời bạn. Tất nhiên, bạn sẽ chẳng thể hy vọng một happy ending cho câu chuyện vốn đầy rẫy bi kịch, đúng chứ?  

Bạn là người kể chuyện, bạn có quyền chủ động, thế nên hãy kể câu chuyện mà mình mong muốn. Viết nên câu chuyện cuộc đời bằng những chương yêu thương, hạnh phúc, nhiệt huyết, kiên cường vượt qua thử thách,… Happy ending hay bad ending do bạn quyết định, tội gì bạn phải chọn bad ending cho câu chuyện đời mình cơ chứ? 

Tự tin với bản sắc cá nhân của bạn 

Bạn là một cá nhân độc đáo và mang màu sắc đẹp đẽ duy nhất trên thế giới này. Bạn có những cá tính, phẩm chất và đặc điểm riêng biệt, đáng tự hào. Những thiếu sót, khuyết điểm càng không phải là điều đáng tự ti, bởi chúng là một phần trong bản sắc, chúng tô vẽ những nét màu phá cách trong bức tranh về con người bạn. Vì lẽ đó, hãy tự tin và trân trọng bản sắc cá nhân của mình, như thể bạn đang sở hữu một bảo vật vô giá, độc nhất vô nhị trên đời này. 

Đừng để suy nghĩ tiêu cực thay bạn định nghĩa chính mình 

Suy nghĩ tiêu cực tựa như những con virus bất trị. Chúng xâm nhập vào tâm trí, âm thầm phá hoại hệ miễn dịch “hạnh phúc” của bạn. Chúng khiến bạn đổ bệnh. Một khi nhiễm loại bệnh “tiêu cực” này, ngay cả những bác sĩ giỏi nhất cũng bó tay! 

Thế nên, đừng để suy nghĩ tiêu cực tiếp tục phá phách. Những khi đối mặt với suy nghĩ tiêu cực, bạn có thể thực hiện 4 bước sau đây để đẩy lùi thế công của chúng: 

  • Quan sát chúng: “Những suy nghĩ tiêu cực này xuất phát từ đâu?”, “Nó có đúng với thực tếhay không? Hay chỉ là do bạn đang suy diễn, phóng đại vấn đề?”. 
  • Thách thức chúng: “Có bằng chứng nào cho thấy những suy nghĩ tiêu cực này là sai sự thật hay không?”, “Liệu rằng bạn đã quá chú tâm vào mặt tiêu cực mà bỏ qua mặt tích cực của vấn đề?”, “Bạn có đang đem suy nghĩ tiêu cực đơn lẻ này áp đặt lên toàn bộ vấn đề hay không?” (Ví dụ bạn thất bại trong một bài kiểm tra, không có nghĩa bạn là một người thất bại).
  • Đảo ngược góc nhìn: “Tôi có thể học hỏi được gì từ điều này?”, “Dẫu cho điều tiêu cực ấy đã xảy ra, có điều tốt đẹp nào mà tôi nhận được hay không?” 
  • Hành động: Viết, vẽ tranh, xem phim, dọn dẹp nhà cửa, học tập, đi chơi, đi ngủ,… Nếu quá nhàn rỗi, suy nghĩ tiêu cực sẽ đến và thì thầm vào tai bạn: “Kết bạn không?”. 

Đọc thêm: Khi buông bỏ là hạnh phúc vô giá!

Theo đuổi hình mẫu lý tưởng của mình 

Bạn có đang phấn đấu để trở thành một người lý tưởng trong trí tưởng tượng của mình hay không? Đó là khi bạn vạch ra những mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể. Để từng bước có thể chạm đến hình mẫu lý tưởng mà bản thân hằng mong ước. 

Đây là một hành trình tuyệt vời, nơi bạn dần trưởng thành hơn, dần khám phá ra những kho báu tiềm tàng ẩn trong mình. Hơn hết, cảm giác ngày càng gần hơn với bản thân lý tưởng sẽ vun đắp sự tự tin của bạn. Đồng thời là hạt giống tốt gieo mầm cho góc nhìn tích cực về bản thân trong bạn. 

Mỗi ngày dẫu là một bước nhỏ, hãy chắc chắn rằng bạn đã tiến gần hơn một bước đến con người lý tưởng của mình. 

Lời kết 

Trên con đường khám phá bản thân, có một hành trang quan trọng luôn song hành cùng bạn. Đó là Self Concept, là những khái niệm về bản thân do bạn viết nên. Hành trang hiểu về bản thân có thể như nguồn nước mát lành tiếp sức trong suốt chuyến đi, nhưng cũng có thể như tảng đá nặng trĩu ngăn bước chân bạn. Vậy nên, đừng để nước biến thành đá, hãy dùng những khái niệm về bản thân để viết nên một cuộc đời thật tươi đẹp, bạn nhé! 

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments