“Hạnh phúc là gì?”
Nếu câu hỏi này có trong đề thi, tôi ngờ rằng mình sẽ ngồi cắn bút cả buổi mất. Hạnh phúc không phải là một chiếc bánh ngọt. Tôi chẳng thể cầm, ngửi, hay ăn nó. So với niềm vui hay nỗi buồn, nó cũng thật mơ hồ. Tôi có thể biết mình vui, buồn, tức giận nhưng tuyệt nhiên chẳng biết khi nào mình đang hạnh phúc.
Dường như hạnh phúc luôn được phủ lên bởi tấm màn thần bí. Bất cứ ai giở được tấm màn, chờ đợi họ là những điều diệu kỳ. Vậy điều diệu kỳ đó là gì? Hạnh phúc rốt cuộc là như thế nào? Trong bài viết này, bạn hãy cùng tôi “vén màn” định nghĩa hạnh phúc qua bàn tay của những triết gia, nhà tâm lý học nhé!
Các triết gia định nghĩa hạnh phúc như thế nào?
Đi tìm bí mật của hạnh phúc không phải là chuyến hành trình vừa được khởi phát, trái lại nó đã in dấu hàng triệu bước chân. Từ ngàn năm nay, các triết gia vẫn luôn trăn trở với câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”. Và như một lẽ tất yếu, câu hỏi này đã dẫn dắt họ vào chuyến hành trình tìm kiếm diện mục của hạnh phúc.
Triết gia Hy Lạp Aristotle cho rằng: “Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, là toàn bộ khởi đầu và kết thúc đối với sự tồn tại của con người.”.
Aristotle gọi hạnh phúc với cái tên “Eudaimonia”. Tuy vậy, Eudaimonia chẳng phải tình cảm cụ thể mà là một quá trình rèn luyện lâu dài về lối sống và hoạt động. Sự rèn luyện ấy bắt nguồn từ lý trí, tri thức, phẩm hạnh, đạo đức,… Một khi những khía cạnh này dung hòa, chúng tạo nên một cuộc sống đức hạnh hòa hợp với lý trí của bản thân. Điều này sẽ dẫn đến hạnh phúc.
Triết gia chủ nghĩa khoái lạc Epicurus xem mục đích của triết học là hạnh phúc của con người. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bạn trong việc truy cầu hạnh phúc: “Trong tất cả những cách đảm bảo hạnh phúc suốt cuộc đời, quan trọng nhất là có được tình bạn”.
Đồng thời, Epicurus không cho rằng hạnh phúc xuất phát từ những vật chất bên ngoài như tiền bạc, của cải: “Nếu ngươi muốn làm cho một người hạnh phúc, thì chớ thêm vào của cải của họ, nhưng hãy lấy đi những ham muốn của họ.”. Thay vào đó, hạnh phúc theo vị triết gia này là trạng thái an lạc trong tâm hồn (ataraxia), có được nhờ giảm bớt ham muốn, tránh xa những lạc thú tầm thường dẫn đến đau khổ, cũng như loại bỏ nỗi sợ hãi ra khỏi cuộc sống.
Quay về phương Đông, Khổng Tử gợi mở cho chúng ta ba con đường dẫn đến hạnh phúc. Điều ấy bắt nguồn từ sự học hỏi, không ngừng theo đuổi tri thức và rèn luyện bản thân. “Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm sao?”. Điều ấy bắt nguồn từ tình bạn tâm giao, sự kết nối giữa con người với con người “Có bạn hữu nơi xa đến thăm, chẳng mừng lắm sao?”. Và điều ấy còn bắt nguồn từ niềm an bình nội tâm, sự bình thản trước những đánh giá của người khác. “Người chẳng hiểu ta mà ta không buồn giận họ, thế chẳng phải người quân tử ư?”.
Đọc thêm: Bí mật về sự hòa hợp giữa bản sắc cá nhân và phát triển bản thân
Định nghĩa về hạnh phúc của các nhà tâm lý học
Nếu hạnh phúc là một món ăn, thì các nhà tâm lý học là những người đầu bếp luôn muốn tìm ra công thức tuyệt với nhất. Đã có hàng ngàn nghiên cứu được thực hiện, và công thức đúc kết gồm: hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc khi những điều tốt đẹp xảy đến với chúng ta.
Bên cạnh đó, hạnh phúc còn là “đánh giá của mọi người về cuộc sống của họ, bao gồm sự hài lòng về cuộc sống, tình cảm, thành tựu và tâm trạng của người đó.” (Kesebir & Diener). Sự đánh giá này thường xuất phát từ góc nhìn chủ quan, nghĩa là nếu bạn tin rằng mình là người hạnh phúc, thì bạn sẽ là người hạnh phúc.
Cha đẻ thuyết phân tâm học, Sigmund Freud viết: “con người phấn đấu theo đuổi hạnh phúc; họ muốn trở thành hạnh phúc và duy trì như vậy. Nỗ lực này có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Một mặt, nó nhắm vào sự vắng mặt của đau đớn và không hài lòng, và mặt khác, trải nghiệm những cảm giác vui vẻ mạnh mẽ“.
Ngày nay, đi cùng với sự phát triển của khoa học thần kinh, các nhà tâm lý học và thần kinh học thật sự đã “nắm bắt” được hạnh phúc. Những nghiên cứu chỉ ra hạnh phúc không phải là một trạng thái hư vô mờ mịt, trái lại nó có những dấu hiệu rõ ràng, ngay trong cơ thể chúng ta.
Một khi ta hạnh phúc, cơ thể sẽ có những phản ứng sinh hóa đặc biệt như cơ mặt giãn ra, đồng tử mở rộng, xuất hiện cảm giác ấm áp ở vùng ngực,… Hơn hết, bộ não sẽ reo lên: “Tôi hạnh phúc quá!”. Bấy giờ, nó sẽ giải phóng dopamine, serotonin, oxytocin và endorphins – những hormone đóng vai thúc đẩy cảm giác hạnh phúc trong bạn.
Đọc thêm: 6 thiên kiến tâm lý đang phá nát cuộc đời tôi (và có thể là cả của bạn)
Vậy định nghĩa hạnh phúc đối với tôi là gì?
Tôi chẳng phải một triết gia với những suy tư sâu sắc, cũng chẳng phải một nhà tâm lý học mày mò với “công thức hạnh phúc”. Tôi chỉ là một chàng trai bình thường, vậy nên ý nghĩa của hạnh phúc với tôi xuất phát từ những điều bình dị và nhỏ nhặt nhất.
Một món ăn ngon, bản nhạc hay, trang sách thú vị,… Hạnh phúc to đầy ắp niềm vui nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống bình yên hiện tại, hài lòng với những gì bản thân sở hữu, hài lòng với những điều chưa hoàn thiện ở bản thân.
Tôi trân trọng giây phút này, bởi lẽ hiện tại là món quà vô giá nhất mà bản thân tôi nhận được. Ở giây phút này, cuộc sống của tôi đã đủ đầy. Tôi có thức ăn để ăn, có nước để uống, có không khí để hít thở,… Đời sống như vậy đã là sung túc!
Hạnh phúc, với tôi còn là sự tiến bộ từng ngày. Tôi hạnh phúc khi dõi theo bước chân của chính mình trên hành trình phát triển. Đó là khi tôi hăng say học hỏi những điều mới, khai phá tiềm năng đang ngủ say trong mình. Dẫu cho nhiều lúc đối diện với thất bại, với niềm tin rằng mình không đủ tốt, nhưng tôi đều có đủ bản lĩnh để vực dậy. Mỗi lần như thế, tôi biết mình đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn một chút so với ngày hôm qua. Như vậy là hạnh phúc!
Vậy những nhân vật nổi tiếng khác định nghĩa hạnh phúc ra sao?
- “Hạnh phúc là một sự lựa chọn, không phải là một kết quả. Không có gì sẽ khiến bạn hạnh phúc cho đến khi bạn chọn hạnh phúc.” – Ralph Marston.
- “Hạnh phúc là một hình thức của lòng can đảm.” – Holbrook Jackson.
- “Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, những gì bạn nói và những gì bạn làm hòa hợp với nhau” – Mahatma Gandhi
- “Hạnh phúc không phải là kết quả của những gì chúng ta nhận được, mà từ những gì chúng ta cho đi.” – Benjamin Carson
- “Hạnh phúc là một con bướm, khi theo đuổi, nó luôn nằm ngoài tầm tay của bạn, nhưng nếu bạn ngồi yên lặng, nó có thể hạ cánh trên bạn.” – Nathaniel Hawthorne
- “Nếu bạn không hạnh phúc ở đây và bây giờ, bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc.” – Taisen Deshimaru
- “Những người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải có những điều tốt nhất. Họ chỉ đơn giản là đánh giá cao những thứ họ có.” – Warren Buffett
- “Hạnh phúc không nằm trong tài sản, và không ở vàng, hạnh phúc ngự trong linh hồn.” – Democritus
- “Hạnh phúc không phải là một lý tưởng của lý trí, mà là của trí tưởng tượng.” – Immanuel Kant
- “Hạnh phúc tối thượng của cuộc sống là niềm tin rằng chúng ta được yêu thương.” – Victor Hugo
- “Thành công là đạt được những gì bạn muốn. Hạnh phúc là muốn những gì bạn nhận được.” – Dale Carnegie
- “Hầu hết mọi người đều hạnh phúc như họ quyết định.” ~ Abraham Lincoln.
Đọc thêm: Bản sắc cá nhân: Đi tìm sắc màu độc nhất của bạn giữa thế gian này
Tổng kết
Từ thói sống, triết lý cho đến trạng thái, quan điểm và những phản ứng sinh hóa của cơ thể,… Bên dưới tấm màn, hóa ra hạnh phúc có muôn hình vạn trạng như thế.
Hạnh phúc tựa như một sinh vậy huyền bí, nếu bạn muốn nó biến thành điều gì, nó sẽ biến thành điều đó. Nó xuất phát từ chính bạn, vì thế đừng ngại ngần mà hãy giở tấm màn ấy lên, ôm lấy con sinh vật mang tên hạnh phúc đó nào!
Bạn đã sẵn sàng tự viết nên định nghĩa hạnh phúc của chính mình chưa?