“Chà, điều này có vẻ thú vị. Mình rất muốn làm, nhưng chờ chút đã, chờ cho động lực đến rồi làm sau cũng không muộn.”
Bạn có thường tự nhủ như vậy?
Nếu có, bắt tay cái nhé! Vì tôi cũng giống bạn, là những người “chờ thời”. Chờ cho đến một ngày khi động lực sung mãn, tôi có thể chinh phục cả thế giới. Đáng tiếc thay, động lực hệt như ví tiền của tôi vậy, chưa bao giờ đầy ắp!
Vì lẽ đó, tôi chỉ có thể tiếp ngồi đợi nó đến, xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Bỗng một ngày, tôi bàng hoàng chợt nhận ra, ôi không, cả thanh xuân của mình chẳng phải để chờ một người, mà là để chờ động lực. Và nó vẫn chưa đến…
Tôi phải làm gì đây? Tiếp tục đợi chờ hay đứng dậy đi tìm động lực? Cùng đi tìm đáp án qua bài viết này nhé!
Động lực là gì?
Một điều chắc chắn rằng, động lực không phải thứ phép màu được ông bụt ban tặng khi bạn ngồi khóc. Nó bắt nguồn từ điều vô cùng thực tế trong mỗi chúng ta, sự mong muốn. Theo giáo sư tâm lý học Roy Baumeister, định nghĩa động lực đơn giản nhất là sự mong muốn.
Dù là mong muốn cao cả như thay đổi thế giới, hay mong muốn nhỏ bé như ăn một que kem mát lạnh giữa trưa hè nóng bức. Một khi bạn muốn hướng đến một mục tiêu nào đó, động lực sẽ đến bên cạnh bạn và nói rằng: “Hãy làm đi! Tôi sẽ cỗ vũ bạn!”.
Tiếng nói của động lực xuất phát từ cả hai phía.
Bên ngoài, động lực ngoại tại khuyến khích bạn qua những phần thưởng như sự khen ngợi, tiền bạc, danh tiếng,… Ví dụ như bạn cảm thấy thỏa mãn khi thưởng thức que kem trước ánh mắt hâm mộ của đám trẻ hàng xóm, điều này thôi thúc bạn bước vào cửa hàng tạp hóa và mua kem.
Bên trong, động lực nội tại phát sinh từ mong muốn và cảm nhận cá nhân của bạn. Sau khi ăn xong que đầu tiên, bạn cảm thấy mát lạnh và thỏa mãn giữ thời tiết nắng nóng, thế là bạn lại đi vào cửa hàng tạp hóa và mua que kem thứ hai.
Đọc thêm: Thử thách 30 ngày từ bỏ thói quen suy nghĩ tiêu cực
Động lực có quan trọng không?
Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác mỗi khi động lực dâng trào, bạn cảm thấy bản thân có thể đánh bại cả thế giới, nhưng khi động lực sa sút, ngay cả một con kiến cũng có thể quật ngã bạn?
Có thể thấy, động lực giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Nó vừa là khởi đầu, vừa đồng hành và cũng là điểm đến. Nếu thiếu đi động lực, bạn sẽ chẳng thể nào bước tiếp. Vậy ý nghĩa của động lực được thể hiện như thế nào trên hành trình phát triển cá nhân? Đó là:
- Động lực là chìa khóa của sự phát triển: Bắt nguồn từ mong muốn tốt hơn, động lực được sinh ra và đi cùng với con đường phát triển bản thân. Nó mang đến cảm giác hào hứng trước những trải nghiệm mới, tiếp thêm năng lượng để học hỏi và vực dậy tinh thần của bạn sau những thất bại.
- Động lực giúp tối ưu năng suất công việc và học tập: Một nguồn động lực đủ lớn sẽ giúp bạn có được sự kiên trì và độ tập trung đáng kinh ngạc. Đồng thời khi làm việc hay học tập với động lực cao, bạn có thể dễ dàng bước vào trạng thái dòng chảy (flow) – nâng cao tối đa hiệu suất của mình.
- Động lực viết nên khái niệm tích cực về bản thân: Những người có động lực tốt thường định nghĩa chính mình như là “một người nhiệt huyết”, “một người năng động”,… Điều này góp phần mang đến một góc nhìn tích cực, lạc quan về bản thân họ.
- Động lực duy trì sức khỏe tinh thần lành mạnh: Động lực là thuốc bổ cho tâm trí. Một mặt, nó giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc, quyết tâm và niềm tin vào cuộc sống. Mặt khác, thiếu động lực có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, burn out, lo âu, căng thẳng,…
Tại sao tôi luôn cảm thấy thiếu động lực?
Động lực, lên xuống thất thường hệt như nhịp tim của tôi trong giờ kiểm tra miệng. Những khi muốn bắt đầu, tôi không thiếu công cụ, cũng không thiếu thời gian, thứ tôi tôi thiếu chỉ là động lực. Vậy thời điểm tôi cần nó nhất, động lực chạy đâu mất rồi?
Sự “mất tích bí ẩn” này có thể giải thích như sau:
Do tôi bị lấn át bởi mặc cảm tự ti và nỗi sợ hãi. Mỗi khi động lực trong tôi vừa nhen nhóm, nỗi ám ảnh thất bại trong quá khứ liền ùa về, cùng với đó là tiếng nói nội tâm như thể kêu gào: “mày không thể”, “mày không đủ khả năng”, “mày không xứng đáng”… Ngay lập tức, ngọn lửa động lực tắt ngóm.
Tuy nhiên, có những lúc tôi thừa sự quyết tâm và lòng tự tin, nhưng vì sao vẫn cảm thấy thiếu động lực?
Đó là do điều tôi đang làm quá nhàm chán, quá kém hấp dẫn, hoặc do tôi ghét nó. Đối với tôi, việc học ngữ pháp tiếng Anh như nhai vỏ cao su như thế. Rất dai và khó nuốt. Vì vậy mỗi khi vật lộn với quyển ngữ pháp dày cộm, động lực trong tự khắc theo gió bay xa.
Vậy đối với những điều tôi yêu thích thì sao? Tôi cảm thấy bản thân cũng không đủ động lực với chúng.
Đây có thể là do tôi đã đặt quá nhiều kỳ vọng, áp lực vào những điều mình đang làm. Dẫn đến tôi không thể cân bằng cán cân giữa niềm vui và áp lực. Một khi cán cân nghiêng về phía áp lực, thì dù cho tôi yêu thích điều ấy đến đâu, động lực cũng sẽ bị đè bẹp.
Hoặc cũng có thể là tôi đang “burn out”. Tôi cảm thấy quá tải và căng thẳng với mớ công việc chất đầy như núi. Đó là hậu quả do chuỗi ngày “cày” thâu đêm suốt sáng, vắt năng lượng và tinh thần vắt đến giọt cuối cùng. Để rồi động lực trong tôi cũng chỉ như cây củi nhỏ bị quăng vào đống lửa cháy hừng hực. Đến khi đống lửa tàn, cây củi nhỏ ấy đã bị thiêu rụi thành tro bụi.
Cuối cùng nếu tôi cảm thấy mất hoàn toàn động lực trong một thời gian dài. Và tình trạng này ngày càng tồi tệ hơn. Rất có thể tôi đang đối mặt với một số vấn đề về sức khỏe tinh thần. Trong trường hợp này, hãy tìm đến sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý. Ngay lập tức!
Đọc thêm: Tìm lại chính mình giữa thế giới xô bồ
Vậy ngồi chờ động lực có phải quyết định đúng đắn?
Tôi từng nghĩ động lực như trái xung, chỉ cần nằm chờ là nó tự động rơi vào miệng mình. Tuy vậy đời không như mơ, thứ rơi vào miệng tôi chỉ toàn là trái đắng của sự lười biếng, thụ động và trây ì.
Trong tiếng Anh, motivation (động lực) có nguồn gốc từ motivus – một từ Latin có ý nghĩa nguyên nhân của một chuyển động. Ngay từ bản chất, nó đã không tĩnh tại mà luôn có sự chuyển động. Vì lẽ đó, nếu cứ tiếp tục “tĩnh” ngồi chờ động lực đến, tôi chẳng khác nào đang há miệng chờ xung.
Đi sâu vào nguồn gốc của động lực, các nhà tâm lý học cho rằng nó bắt nguồn từ 3 yếu tố chính sau:
- Yếu tố kích hoạt (Activation): Bạn quyết định hành động.
- Yếu tố kiên trì (Persistence): Bạn nỗ lực duy trì hành động.
- Yếu tố cường độ (Intensity): Bạn nhiệt tình, tập trung vào hành động ấy.
Trong cả 3 yếu tố này, từ khóa chung là “hành động”. Nói cách khác, khi và chỉ khi bạn hành động, động lực mới có thể được tạo ra. Động lực cũng như than đá được đốt bằng sức nóng hành động. Đến khi than đã nóng, con tàu sẽ bắt đầu lăn bánh.
Nếu cứ mãi tự nhủ: “Mình sẽ chờ động lực đến rồi làm sao cũng không muộn!”. Như vậy, than đá sẽ nguội ngắt. Và tàu lửa chẳng thể nào đưa vị hành khách của nó đến nơi họ muốn đến. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn nguy hiểm, khi tôi càng trông mong động lực, động lực lại càng trốn tránh tôi.
Vì lẽ đó, ngay bây giờ nếu như bạn cảm thấy thiếu động lực, đừng cố tìm nó, mà hãy đi tìm hành động. Đã đến lúc để ngọn lửa hành động trong bạn bùng cháy!
Quy trình 5 bước sản xuất động lực cho người thiếu động lực
Hỡi những người bạn đang thiếu động lực của tôi! Các bạn đã sẵn sàng khởi động nhà máy sản xuất động lực cho riêng mình hay chưa? Nếu có, nhớ tuân thủ quy trình 5 bước dưới đây để nhà máy hoạt động năng suất bạn nhé!
Đặt mục tiêu
Động lực xuất phát từ mong muốn theo đuổi một mục tiêu của bạn. Do đó, nếu không thể tìm thấy mục tiêu, bạn giống như bắn mũi tên mà không có bia ngắm như thế.
Ở bước đầu tiên này, hãy chắc chắn bạn biết mục tiêu của mình là gì. Nếu vẫn chưa thể tìm thấy, bạn có thể xác định mục tiêu của mình bằng phương pháp SMART. Viết ra mục tiêu, sau đó xác định nó dựa trên 5 tiêu chí sau:
- Cụ thể (Specific): Càng cụ thể càng tốt. Ví dụ mục tiêu của bạn là viết một bài tiểu luận, đừng nói “Hôm nay tôi sẽ viết tiểu luận”, mà hãy nói: “Từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa nay, tôi sẽ viết 3 trang tiểu luận.”.
- Đo lường (Measurable): Để mục tiêu của bạn có thể đo được bằng con số. Ví dụ trong vòng 3 tiếng, bạn sẽ viết 3 trang tiểu luận.
- Khả thi (Achievable): Một mục tiêu chỉ có ý nghĩa khi bạn hoàn thành nó. Vậy nên, đừng cố ép bản thân viết xong cả bài tiểu luận trong vòng một buổi sáng. Trừ khi bạn muốn thay Tom Cruise ứng tuyển vào vai điệp viên Ethan Hunt.
- Phù hợp (Relevant): Mục tiêu này sẽ giúp ích như thế nào cho mong muốn của bạn? Giả sử bạn muốn điểm A+ cho môn học, vậy thì đầu tư công sức vào bài tiểu luận là cần thiết và phù hợp với mong muốn đó.
- Thời hạn (Time-bound): Tự đặt ra một “deadline” cho mình và nỗ lực hoàn thành mục tiêu trước deadline đó. Bởi nếu không có một thời hạn cụ thể, mục tiêu của bạn sẽ bị gắn tag “vô thời hạn”, và “vô thời hạn” ở đây thường đồng nghĩa với không bao giờ hoàn thành.
Đọc thêm:Buông bỏ để hạnh phúc: Bắt đầu với 5 điều này!
Đặt mình vào môi trường động lực
Đặt mình vào môi trường giàu động lực là cách nhanh nhất giúp khởi động cỗ máy sản xuất động lực trong bạn. Bắt đầu với những người bạn đồng hành, tham gia vào các hội nhóm, cộng đồng cùng chung mục tiêu sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều về mặt tinh thần. Mối liên kết giữa những người cùng chí hướng sẽ là nguồn động lực ngoại tại lớn lao thúc đẩy bạn tiến lên phía trước.
Hoặc ngay cả khi bạn chỉ có một mình, một môi trường tốt cũng là vô cùng quan trọng. Người xưa dạy rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Để tìm lại động lực thất lạc, đừng quên tránh xa những nguồn mực có thể “bôi đen” bạn như: thông tin tiêu cực trên internet, mối quan hệ độc hại, sự so sánh với người khác,…
Đồng thời, tự “thắp sáng” bản thân bằng cách đưa những điều tích cực vào cuộc sống: đọc sách, ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên, sắp xếp không gian sống sạch sẽ và ngăn nắp,…
Bắt đầu mọi thứ với 2 phút
James Clear, tác giả của quyển sách đình đám Atomics Habit chỉ ra, bạn có thể bắt đầu một thói quen chỉ với 2 phút. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là để bạn đủ có động lực bắt tay vào một điều nào đó, cũng chỉ vẻn vẹn cần 2 phút.
“2 phút? Quá ít! Chưa đủ thời gian tôi ăn xong một ổ bánh mì nữa!”
Đúng vậy, nguyên tắc ở đây là quá ít. Như đã nói, động lực sẽ đến khi bạn thực sự hành động. Tuy nhiên vào những ngày động lực tiêu tán, việc ngồi vào bàn làm việc và gồng ép bản thân suốt trong vài giờ sau đó. Đối với tôi đây là một phương pháp tra tấn thời hiện đại.
Vậy nên, khi cảm thấy mất động lực, thời gian chỉ nên được tính bằng phút. 2 phút, chỉ 2 phút tập trung vào công việc thôi là đơn giản như ăn kẹo đúng chứ? Sau khi hết 2 phút, bạn có thể nghỉ tay, đừng cố nấn ná thêm một giây phút nào nữa. Quay trở lại công việc, và lần này, cũng chỉ 2 phút.
Ngược lại, nếu trải qua 2 phút mà vẫn ổn, bạn có thể từ từ tăng thời gian lên thành 5 phút, 10 phút, 15 phút. Miễn là thời gian ấy không vượt quá “ngưỡng chịu đựng” của bạn, đến khi nào tâm trí kêu lên: “Đủ rồi”, vậy tức là đủ rồi!
Biến những điều bạn làm trở nên hấp dẫn hơn
Đôi lúc, nguồn cơn của mất động lực không xuất phát từ bạn, mà là xuất phát từ mục tiêu bạn đang theo đuổi. Nó quá nhàm chán, quá kém hấp dẫn hoặc quá đáng sợ đối với bạn.
Nếu mục tiêu trong mắt bạn có những đặc điểm như vậy, đã đến lúc bạn nên thay cho nó một chiếc áo mới đẹp đẽ và thu hút hơn.
Có 2 cách đơn giản để bạn biến mục tiêu của mình trở nên hấp dẫn hơn, đó là:
- Biến mục tiêu thành điều bạn yêu thích: Một mục tiêu sẽ thú vị hơn gấp bội nếu như bạn có thể kết hợp nó với điều mình yêu thích. Ví dụ như bạn muốn luyện nghe tiếng Anh, nhưng ngán ngẩm trước những đoạn hội thoại vô hồn, vậy thì thử luyện nghe qua bộ phim hay bài hát tiếng Anh mà bạn yêu thích xem sao? Nghe có vẻ hay ho hơn rồi đúng không?
- Tạo phần thưởng: Nếu bản thân công việc không đủ hấp dẫn, hãy đính kèm nó với một phần thưởng. Ví dụ sau khi viết xong 3 trang báo cáo, bạn tự thưởng cho mình một ly kem trái cây mát lạnh. Phần thường càng hấp dẫn, động lực để bạn hoàn thành mục tiêu càng lớn.
Đọc thêm: Khi buông bỏ là hạnh phúc vô giá!
Kỷ luật là chìa khóa của động lực
Động lực dễ đến, nhưng cũng dễ rời đi. Và bạn không thể ngày nào cũng đi tìm động lực. Vì thế ở bước cuối cùng này, hãy biến động lực thành một sản phẩm với dây chuyền sản xuất hàng loạt. Đây là lúc để kỷ luật cất lên tiếng nói của mình.
Yếu tố quan trọng tạo thành động lực là sự kiên trì. Và để kiên trì, bạn cần có kỷ luật, quyết tâm và nỗ lực cam kết theo đuổi mục tiêu. Động lực của bạn có thể dâng trào trong một thời khắc, thế nhưng nếu không duy trì nó bằng kỷ luật, thì động lực cũng chỉ như ngọn đuốc giữa cơn bão, chẳng biết khi nào sẽ vụt tắt.
Bắt đầu và duy trì, mong muốn và kiên nhẫn. Một khi động lực và kỷ luật song hành trên một con đường, cùng nhau, chúng sẽ đưa bạn đến một cuộc sống như ý nguyện.
Lời kết
Tôi từng cho rằng động lực như một món quà của vũ trụ. Món quà ấy sẽ xuất hiện vào thời điểm không ai đoán trước, và sẽ ban tặng cho tôi một nguồn sức mạnh thần kỳ có thể chinh phục tất cả. Với niềm tin như thế, tôi cứ mãi ngồi chờ món quà ấy sẽ rơi xuống đầu mình, chờ hoài, chờ hoài chẳng thấy đâu…
Đừng giống như tôi! Đừng trông chờ động lực sẽ đến bất ngờ như một món quà! Động lực không phải để chờ đợi, mà là để tạo ra. Đằng sau nó là câu chuyện của những mong muốn, nỗ lực và hành động. Như vậy, bạn có muốn cùng tôi viết nên câu chuyện này chứ?