Nếu cuộc đời tôi là ngôi nhà thì những thiên kiến tâm lý sau đây là bầy chim.
Ôi không! Chúng đang bắn phá ngôi nhà, cướp đi quả trứng, trong khi tôi chỉ có thể bất lực nhìn chúng lao đến từ phía bên kia giàn ná. Tôi phải làm gì bây giờ?
Qua bài viết này, hãy cùng tôi tìm hiểu cách ngăn chặn bầy chim đáng ghét này nhé! Đây là một bài viết về 6 thiên kiến tâm lý đang âm thầm hủy hoại cuộc đời tôi.
Đã đến lúc đem chúng ra ánh sáng!
Thiên kiến hiện trạng (Status Quo Bias)
Tôi từng nghĩ rằng phát triển bản thân cũng giống như bước lên con tàu Trinidad cùng Magellan. Tôi buộc bỏ lại phía sau ngôi nhà nhỏ quen thuộc, những cánh đồng lúa mì hay cối xay gió thân quen để bước vào một chuyến thám hiểm. Ở đó, kết cục của tôi hoặc là tìm thấy “quần đảo Gia vị”, hoặc là táng thân nơi biển lớn.
Như thế thì quá mạo hiểm! Vậy nên tôi thà giữ nguyên cuộc sống của mình còn hơn.
Bộ não và sự quen thuộc luôn là đôi bạn thân. Nếu tôi buộc nó từ bỏ những điều vốn đã thân thuộc, nó nhất định sẽ phản kháng. Và vũ khí của nó là Thiên kiến hiện trạng.
Thiên kiến hiện trạng (Status Quo Bias) là xu hướng chúng ta muốn duy trì tình trạng hiện tại thay vì thay đổi, dù cho việc thay đổi có thể mang đến cho chúng ta nhiều lợi ích hơn.
Thiên kiến này bắt nguồn hai nỗi sợ sâu thẳm: nỗi sợ mất mát và nỗi sợ những điều chưa biết. Vì lẽ đó chúng ta thường thích gắn bó với cuộc sống hiện trạng hơn là tìm cách cải thiện nó.
Vậy thiên kiến này chi phối tôi như thế nào?
Câu trả lời là vùng an toàn. Nó khiến tôi không đủ can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn. Vùng an toàn như chiếc ao nhỏ, nơi tôi thỏa thích vẫy vùng mà chẳng sợ bất cứ điều gì. Nhưng cứ lì mãi trong đó, tôi chỉ thể giương mắt nhìn những con cá chép khác “hóa rồng”.
Vậy nên tôi biết rằng đã đến lúc mình nhảy ra khỏi ao, hòa mình vào dòng Vũ Môn cuồn cuộn.
Bạn đã sẵn sàng gác lại Thiên kiến hiện trạng để khám phá những vùng đất mới chưa? Nếu có, dưới đây là một số mẹo khởi hành dành cho bạn:
- Học kỹ năng mới: Học một kỹ năng mới giúp bạn khai phá tiềm năng, mở rộng vòng tròn năng lực và trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống.
- Bắt đầu bằng thay đổi nhỏ: Thử một quán ăn mới, về nhà trên một con đường khác, dùng kem đánh răng hãng khác,… Mỗi thay đổi nhỏ đều là một phần cho sự thay đổi lớn lao.
- Thay đổi nếp sống: Tập thể dục nhiều hơn, ăn ít đường hơn, ngủ sớm, dậy sớm,… Thay đổi nếp sống tốt hơn là cách hiệu quả để phá vỡ lối mòn của Thiên kiến hiện trạng.
- Tạo thử thách: Một thử thách giúp thúc đẩy động lực và sự cam kết. Nếu muốn bắt đầu một điều mới, bạn hãy tạo ra một thử thách nhỏ đi kèm: “21 ngày nói không với điện thoại”, “30 ngày viết liên tục”, “60 học tiếng Anh”,…
Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias)
Giả sử một người đến bên tôi, chân thành nói rằng: “Bạn là một người tài giỏi và bản lĩnh. Tôi ngưỡng mộ bạn!”. Tôi nhất định sẽ nhìn họ bằng cặp mắt đề phòng: “Mục đích của nhà ngươi là gì?”.
Đổi lại nếu một ai đó thô lỗ hét to vào mặt tôi: “Mày là một thằng thất bại và vô dụng!”. Tôi sẽ cảm động đến phát khóc: “Quả là tri kỷ! Trên đời này chỉ có bạn là hiểu tôi nhất!”.
Bạn nghĩ chuyện này thật ngớ ngẩn ư? Tất cả nạn nhân của Thiên kiến xác nhận đôi khi đều ngớ ngẩn như thế. Dẫu cho nó có vô lý đến thế nào, tôi thà tin vào những điều mình nghĩ hơn là tin vào những điều mắt thấy tai nghe.
Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias) là xu hướng tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho định kiến của một người, thay vì tìm cách bác bỏ nó. Điển hình là chúng ta tìm kiếm các bằng chứng để chứng minh cho niềm tin hiện có, trong khi từ chối hoặc phớt lờ bất kỳ bằng chứng nào mâu thuẫn với niềm tin đó (theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ).
Thiên kiến xác nhận như một bộ lọc giúp tôi loại bỏ hết những thông tin chống lại niềm tin của mình. Nếu tôi tin rằng bản thân là một người thất bại, tất cả những điều xung quanh tôi sẽ chỉ ra điều đó: cuộc sống thua kém bạn bè, thất nghiệp, sức khỏe kém, thiếu tự tin, khả năng giao tiếp kém cỏi,…
Trong khi những thành công trước giờ của tôi đều bị Thiên kiến xác nhận ném vào sọt rác. Vậy nên bộ lọc này chẳng đáng tin chút nào! Tháo nó ra thôi!
Tư duy như một nhà khoa học, đó là lời khuyên của tác giả Rolf Dobelli (The Art of Thinking Clearly). Nếu bạn muốn chứng minh một giả thuyết, cách tốt nhất là tìm bằng chứng phủ quyết nó. Nếu không thể, tức là nó đúng. Nhưng một khi bạn tìm được bằng chứng phủ quyết, dù chỉ là một, vậy thì nó sai bét.
Tôi luôn cố chứng minh giả thuyết “bản thân là một sự thất bại”, nhưng rồi tôi phát hiện thấy điều ngược lại: bản thân thật ra cũng có nhiều thành tựu và khoảnh khắc thành công. Ôi thôi, thế là giấc mộng Nobel của tôi tan tành rồi!
Đọc thêm: Bạn đã thử 7 loại nhật ký giúp hạnh phúc và hiểu chính mình này chưa?
Thiên kiến vị kỷ (Self-Serving Bias)
Do xui xẻo, người khác quá kém cỏi, công việc quá khó, biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, làn sóng di cư, cách mạng AI,… Tôi có cả một kho tàng lý do để đổ lỗi cho sự thất bại của bản thân. Trong khi tàng ấy, tất cả đều có lỗi, ngoại trừ chính tôi.
Ở chiều ngược lại, nếu tôi thành công thì sao? Còn phải hỏi, đương nhiên là do tôi xuất chúng rồi!
Một cách lặng lẽ, tôi đã rơi vào chiếc bẫy Thiên kiến vị kỷ (Self-Serving Bias). Đây là xu hướng chúng ta gán mọi công trạng cho tài năng hoặc nỗ lực của bản thân, trong khi đổ lỗi cho các tác nhân ngoại cảnh như: sự may mắn, người khác,… Việc “đổ thừa” này nhằm bảo vệ cái tôi và lòng tự trọng của chúng ta trước những thất bại.
Thiên kiến vị kỷ che mờ nhận thức của tôi. Nó biến tôi thành một con người tự mãn, ích kỷ với góc nhìn hạn hẹp. Đồng thời “hắt nước bẩn” lên tác nhân ngoại cảnh khiến tôi bỏ lỡ cơ hội tự nhìn nhận và rút ra những bài học cho bản thân. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc sống trì trệ, thụ động và mãi giậm chân tại chỗ.
Để thoát khỏi Thiên kiến vị kỷ, dưới đây là một vài gợi ý cho bạn:
- Rèn luyện tư duy đa chiều: Đánh giá sự việc theo nhiều góc độ khác nhau. Với mỗi thành công hay thất bại, bạn sẽ có được góc nhìn đầy đủ và toàn diện hơn, thay vì đem hết mọi vinh quang cho mình hay đổ lỗi cho hoàn cảnh.
- Thực hành lòng trắc ẩn: Sức mạnh diệu kỳ của lòng trắc ẩn bắt nguồn từ sự yêu thương bản thân vô điều kiện. Dù thất bại thì đó cũng không phải là cái cớ để chỉ trích mình, lòng trắc ẩn sẽ nâng niu bạn. Sự nâng niu này sẽ đỡ bạn đứng dậy sau mỗi vấp ngã mà không cần phải viện bất cứ lý do nào.
Thiên kiến hiện tại (Present Bias)
Những năm 1960, thí nghiệm Marshmallow được thực hiện với viên kẹo và những đứa trẻ. Giáo sư Walter Mischel đặt viên kẹo trước mặt một đứa trẻ và nói rằng ông sẽ đi ra ngoài 15 phút. Trong thời gian đợi, đứa trẻ được phép ăn viên kẹo, nhưng nếu có thể đợi cho đến khi ông trở về thì đứa trẻ sẽ nhận được hai viên.
Nhiều năm sau, nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ nhận được viên kẹo thứ hai có điểm thi SAT cao hơn, khỏe mạnh hơn, có nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn,… Đó là những đứa trẻ thành công hơn so với những người còn lại trong cuộc thử nghiệm.
Vậy thử nghiệm này liên quan gì đến tôi? Nếu tham gia thí nghiệm năm đó, có lẽ tôi là một trong những đứa trẻ sớm nhất được thưởng thức vị ngọt. So với đợi tận 20 phút để có viên kẹo thứ hai, thì viên kẹo thứ nhất, ngay trước mặt, rõ ràng là hấp dẫn tôi hơn gấp nhiều lần.
Thiên kiến hiện tại (Present Bias) là xu hướng muốn mọi thứ ngay bây giờ hơn là sau này, vì kết quả mong muốn trong tương lai được coi là ít có giá trị hơn kết quả trong hiện tại (Ted O’Donoghue và Matthew Rabin, Tạp chí Kinh tế Hoa Kỳ).
Đây là nguyên do tôi thích mạng xã hội muôn màu hơn là quyển ngữ pháp tiếng Anh chán phèo, thích một ly trà sữa full topping ngọt ngào hơn là uống một ly nước lọc nhạt toẹt, thích vung tay quá trán hơn là dành tiền tiết kiệm,…
Hậu quả là tôi trở thành một người chỉ biết sống để thỏa mãn nhất thời. Tôi sa đà vào những cám dỗ của hiện tại mà bỏ mặc những hứa hẹn trong tương lai. Để rồi khi cơn thỏa mãn tức thì qua đi, trong tôi chỉ còn lại sự trống rỗng và một tương lai vô định.
Thiên kiến hiện tại dạy cho tôi một bài học đắt giá. Một bài học về chữ “nhẫn”
Cách vượt qua cám dỗ từ Thiên kiến hiện tại:
- Tránh xa những điều gây cám dỗ: Mạng xã hội, đồ ngọt, những món hàng xa xỉ,… cũng giống như những viên kẹo dẻo. Nếu đặt chúng lù lù trước mặt, tôi rất khó cưỡng lại sự mời gọi. Do vậy, tôi sẽ cất điện thoại vào trong tủ, hạn chế đi qua quầy nước ngọt ở cửa hàng và không lướt shopee,… Miễn là đừng để chúng xuất hiện trước mắt của tôi.
- Tạo khoảng cách giữa hiện tại và quyết định: Thay vì cầm điện thoại lên ngay lập tức, tôi tự nhủ: “Đợi 10 phút nữa vậy”. Khoảng thời gian chờ giữa hành động nhất thời với quyết định giúp con người tỉnh táo trong tôi kịp thời thức tỉnh: “Đừng An à! Cái này không tốt cho bạn đâu.”.
- Tạo phần thưởng: Những hoạt động hữu ích nhưng lại quá nhàm chán với tôi? Vậy thì hãy khiến nó hấp dẫn hơn bằng cách tạo ra phần thưởng. Nếu muốn tôi chăm chỉ học tiếng Anh, bạn chỉ cần cho tôi một phần thưởng nào đó ngay sau buổi học. Phần thưởng nên càng nhanh càng tốt. Đừng nói với tôi rằng :”Học tiếng Anh đi, 10 năm sau nó sẽ giúp ích cho bạn.”. Bởi 10 năm là quá lâu, trong khi tôi chỉ cần 15 phút là ăn xong viên kẹo dẻo rồi.
Thiên kiến tiêu cực (Negative Bias)
Quay về vài triệu năm trước, giả sử tổ tiên chúng ta nhìn thấy một vài quả dại rơi trên đường, cùng lắm họ chỉ nhảy cẫng ăn mừng. Nhưng nếu họ nhìn thấy Hổ răng kiếm trong lùm cây, họ nhất định sẽ liều mạng bỏ chạy. Việc tập trung vào những điều nguy hiểm giúp tổ tiên chúng ta sinh tồn trong thời đại đó. Và chúng ta, những con người hiện đại, là hậu duệ của họ.
Do vậy, những điều tiêu cực dường như luôn nổi bật và thu hút hơn những điều tích cực. Điều này dẫn đến sự quan tâm đặc biệt của chúng ta đối với chúng.
Thiên kiến tiêu cực (Negative Bias) là xu hướng chúng ta chú ý nhiều hơn đến những thông tin tiêu cực trong cuộc sống. Sự chú ý này thường áp đảo so với thông tin tích cực. Chúng ta ghi nhớ nhiều hơn, học hỏi và phản ứng mạnh mẽ hơn với những điều tiêu cực. Đây là một phần trong cơ chế tiến hóa của chúng ta suốt hàng triệu năm qua.
Điều nguy hiểm là Thiên kiến tiêu cực thường đi chung với Thiên kiến xác nhận. Bộ đôi song sát này hủy hoại cuộc sống hạnh phúc dễ như trở bàn tay.
Thiên kiến tiêu cực điều hướng sự chú ý đến những điều tiêu cực trong cuộc sống. Từ đó các niềm tin sai lệch được hình thành. Và Thiên kiến xác nhận đóng vai trò củng cố niềm tin ấy, biến nó thành một phần nhân cách trong chúng ta.
Đây là một quy trình sản xuất khép kín. Thiên kiến tiêu cực và Thiên kiến xác nhận hoạt động như người thợ nhuộm cần mẫn. Chúng nhuộm lên cuộc sống của tôi một màu đen u ám, chẳng có hạnh phúc, chẳng có biết ơn, chẳng có niềm vui,… Chỉ có sự tiêu cực làm bạn với tôi mỗi khi đêm về. Thật lòng mà nói, người bạn này chẳng đáng yêu chút nào!
Nếu như nơi bạn sống không có Hổ răng kiếm, đây là một số cách giúp hạn chế tác hại của Thiên kiến tiêu cực:
- Tránh xa truyền thông tiêu cực: Thế giới truyền thông ngày nay đầy rẫy thông tin “tình tiền tù tội”. Những thông tin này chẳng liên quan gì đến tôi, thế nhưng chúng lại là miếng mồi ngon của Thiên kiến tiêu cực. Một khi để nó đánh hơi thấy, dù cho bạn có liều mạng bỏ chạy thì cũng muộn rồi! Do vậy, tốt nhất là bỏ đói Thiên kiến tiêu cực bằng cách tránh xa những tin tức tiêu cực trên truyền thông, mạng xã hội.
- Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp: Trong những mối quan hệ độc hại, Thiên kiến tiêu cực như cá gặp nước, tha hồ vùng vẫy. Ngược lại đối với những mối quan hệ tích cực, nó sẽ mất đi môi trường sống lý tưởng, biến thành một con cá mắc cạn và vô hại.
- Biết ơn: Biết ơn là món quà mà bạn có thể dễ dàng nhận được. Khi bạn biết ơn, bạn sẽ chú ý đến những điều tốt lành xung quanh mình, ôm ấp nó trong tâm hồn và gói nó thành món quà gửi đến người khác. Suốt quá trình này, Thiên kiến tiêu cực chỉ có thể đứng nép sang một bên, nhìn bạn với biết ơn tay trong tay.
- Thay đổi góc nhìn: Thiên kiến tiêu cực là một tay nhiếp ảnh gia tồi tệ. Nó chỉ toàn canh chụp những góc xấu nhất. Do vậy đừng giao máy ảnh cho nó nữa. Bạn có thể tự chụp cho mình, chọn những góc chụp xuất thần nhất của bạn… Và tách, bức ảnh đẹp hút hồn! Bạn thấy đấy, cùng một bức ảnh nhưng chỉ cần thay đổi một chút góc độ là sẽ khác đi rất nhiều. Cuộc sống cũng vậy.
Thiên kiến so sánh xã hội (Social Comparison Bias)
“So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui” – Theodore Roosevelt
Tên trộm hẳn là một gã giàu ú ụ với mớ gia sản kếch xù: niềm vui của tôi.
Theo nhà tâm lý học Leon Festinger, Thiên kiến so sánh xã hội (Social Comparison Bias) là xu hướng chúng ta không thích hoặc cạnh tranh với một người tốt hơn bản thân về thể chất, xã hội hoặc tinh thần.
Như một nạn nhân điển hình của thiên kiến này, tôi thích so sánh mọi thứ với những người xung quanh mình. Từ học vấn, công việc, tiền lương, mối quan hệ, ngoại hình,… cho đến cả những điều nhỏ nhặt như hôm nay họ được giảng viên khen ngợi, họ mặc đồ đẹp hơn mình, họ trông vui vẻ hơn mình,… Tất cả đều có thể được đặt lên bàn cân để so sánh.
Sự so sánh này trở thành một chứng nghiện bất trị của tôi. Và tác hại của chứng nghiện này là khơi dậy lòng ghen tị, tức giận, phẫn uất, thậm chí là thù hằn trong tôi. Những cảm xúc này chẳng mang lại gì cho tôi ngoài việc chúng giết chết tâm hồn và cướp đi hạnh phúc.
Tôi sống với áp lực đồng trang lứa đè nặng trên vai. Nhìn sự thành công của bạn bè, tôi cảm thấy thua kém và ghét bỏ cuộc sống hiện tại của chính mình. Càng so sánh, tôi lại càng cảm thấy ngọn núi lửa ghen tị trong người mình sắp phun trào. Đó là khoảng thời gian tôi hoàn toàn chìm nghỉm trong khủng hoảng tuổi 20, nơi mọi người đều thành công, chỉ có tôi là thất bại.
Và nếu bạn giống như tôi, vẫn đang mở toang cánh cửa cho tên trộm vào nhà. Vậy thì đến lúc chúng ta nên mua ổ khóa rồi! Dưới đây là một số “ổ khóa” giúp bạn ngăn chặn kẻ trộm so sánh, đánh cắp niềm vui:
- Tự nhận thức: Tự nhận thức giúp bạn thấu hiểu được giá trị bản thân, tiềm năng, điều cốt lõi, mục đích và ý nghĩa sống của mình,… Những điều ấy vẽ nên màu sắc độc nhất của bạn giữa thế giới đa sắc này, và bạn sẽ không cần phải tìm màu sắc của mình qua người khác.
- Chấp nhận: Chấp nhận đóng sầm cánh cửa của sự so sánh. Bạn chấp nhận con người chân thật của mình. Dù cho con người ấy có khuyết điểm, không hoàn hảo, nhưng bạn vẫn yêu thương họ vô điều kiện. Sức mạnh của sự chấp nhận còn giúp bạn thoát khỏi những kỳ vọng vô lý và trân trọng hơn cuộc sống hiện tại tuyệt vời của mình.
- Tập trung vào những điều mình có thể kiểm soát được: Bạn không thể kiểm soát được người khác giỏi như thế nào, hay thế giới tốt lên ra sao. Vì vậy, thay vì tốn thời gian vô ích với chúng, sao bạn không thử với điều mà bản thân có thể kiểm soát được thử xem? Đó chính là bản thân bạn. Để bạn phát triển, để bạn tốt hơn mỗi ngày. Bạn không cần ganh đua với người khác, bạn chỉ cần so sánh với bản thân mình ngày hôm qua. Sự so sánh này, cả hai đều vui vẻ.
Tổng kết
6 thiên kiến tâm lý kể trên tựa như lũ chim ngày ngày bắn phá ngôi nhà của tôi. Nếu như cứ để mặc chúng lộng hành, có lẽ số trứng “hạnh phúc” của tôi sẽ mất hết. Do vậy, việc phát hiện và tìm cách đối phó chúng là vô cùng cấp bách. Bạn có muốn cùng tôi chống lại bọn chim phá phách này không?