You are currently viewing Bạn đã thử 7 loại nhật ký giúp hạnh phúc và hiểu chính mình này chưa?

Bạn đã thử 7 loại nhật ký giúp hạnh phúc và hiểu chính mình này chưa?

“Hôm nay là một ngày đẹp trời. Trong cái se se lạnh một ngày cuối tháng 11, tôi bước trên con đường quen thuộc, hưởng thụ thời tiết mát mẻ buổi sớm mai. Tôi ngắm nhìn những đóa Chiều Tím nở rộ, lòng khoan khoái đến lạ…”  

Bỗng, tôi nghĩ đến: “Một bài viết về các loại nhật ký thì sao nhỉ?” 

Trong bài viết này, cùng tôi tìm hiểu 7 thể loại viết giúp thói quen ghi nhật ký của bạn thú vị hơn nhé! 

Nhật ký thường nhật 

“Ngày hôm nay của bạn như thế nào?” 

Tưởng tượng bạn sẽ kể cho quyển nhật ký nghe về những gì diễn ra trong ngày của mình. Buổi sáng, bạn làm gì? Buổi trưa, hoạt động gì đáng nhớ với bạn? Buổi tối, bạn đã hoàn thành những gì? Đâu là hoạt động bạn yêu thích nhất trong ngày hôm nay? 

Mỗi ngày là một chuỗi hoạt động quen thuộc, nhưng bạn có thể chú ý đến những điểm khác biệt nhỏ. Cùng là món canh, nhưng có hôm bạn ăn canh chua, hôm thì ăn canh cải, hôm khác thì ăn canh cua mồng tơi. Rồi bạn sẽ nhận ra, cuộc sống của mình mỗi ngày đều ngập tràn những điều mới mẻ. 

Hoặc bạn có thể để tâm đến những điều bất chợt xuất hiện trong ngày. Một niềm vui bất ngờ, một thành công nho nhỏ, một cuộc gặp gỡ không hẹn trước, một chút rắc rối,… Tất cả chúng đều đáng giá ghi chép lại. Và bạn sẽ hoàn thành bộ “phim tài liệu” mang tên cuộc đời mình. 

Thi thoảng, tôi ngồi ôn lại cuộc sống 6 tháng, 1 năm về trước của mình diễn ra như thế nào. Bộ phim thú vị đến độ ăn hết bỏng ngô nhưng tôi vẫn chưa thấy chán. 

Cách viết nhật ký thường nhật: 

  • Bước 1: Mở đầu nhật ký bằng ngày, giờ và một câu tóm tắt về hoạt động trong ngày của bạn. Ví dụ: “Ngày 11/6, 21 giờ 30 phút. Hôm nay là một ngày chăm chỉ của tôi.” 
  • Bước 2: Viết ngắn gọn những hoạt động từ sáng đến tối của bạn, có thể kèm thêm góc nhìn của bạn về hoạt động đó. Ví dụ: “Buổi sáng, tôi ăn bánh mì chả cá. Bánh mì rất ngon!” 
  • Bước 3: Tìm ra một vài hoạt động nảy sinh bất ngờ trong ngày của bạn. Ví dụ: “Buổi chiều, trong lúc đi dạo, tôi gặp Huy, người bạn chung lớp đại học. Cả hai nói chuyện với nhau về bài thi học kỳ sắp tới.”. 
  • Bước 4: Tổng kết ngắn gọn về những điều bạn hoàn thành trong ngày. Đặt ra mục tiêu cho ngày mới. 

Nhật ký cảm xúc 

“Hôm nay tâm trạng của bạn như thế nào?” 

Nếu vui vẻ, quyển nhật ký sẽ chia vui cùng bạn. Nếu háo hức, quyển nhật ký sẽ mong chờ cùng bạn. Nếu buồn bã, quyển nhật ký sẽ vỗ về bên bạn. Nếu thất vọng, quyển nhật ký sẽ động viên bạn. Viết nhật ký cảm xúc giúp bạn yêu thương cảm xúc của chính mình. Như cách nhà văn Oscar Wilde từng nói: “Những trang nhật ký là nơi nỗi đau trở thành bài học và cảm xúc trở thành nghệ thuật.”. 

Bộc bạch hết cảm xúc giúp tâm trí bạn nhẹ nhõm hơn, tránh “ủ lâu sinh bệnh”. Đây cũng là cách để bạn lắng nghe về tiếng nói cảm xúc trong con người mình. Rằng tại sao hôm nay nó thấy buồn. Rằng điều gì làm nó thấy vui vẻ. Rằng nó nhắc nhở bạn nên tránh xa điều gì để không cảm thấy tức giận… 

Cách viết nhật ký cảm xúc: 

  • Bước 1: Xác định cảm xúc của bạn bằng câu hỏi: “Tâm trạng của tôi ngày hôm nay như thế nào?”.  
  • Bước 2: Xác định nguyên nhân gây ra cảm xúc đó: “Vì sao tôi lại cảm thấy như vậy?”. Sau đó thả lỏng để tâm trí bạn thoải mái giãi bày, nó có nhiều điều muốn nói đó. 
  • Bước 3: Tự vấn bằng câu hỏi: “Tôi có thể học hỏi được gì qua cảm xúc này?”
  • Bước 4: Nếu bạn vui, hãy hỏi là:” Tôi sẽ làm gì để tiếp tục duy trì cảm xúc này”. Nếu bạn buồn, hãy hỏi là: “Tôi sẽ làm gì để vượt qua cảm xúc này”. 
  • Bước 5: Kết thúc nhật ký bằng một lời động viên, một lời cảm ơn, một lời chúc tốt lành cho ngày mới,… để khơi gợi cảm xúc tốt đẹp bên trong bạn. 

Nhật ký biết ơn 

“Bạn biết ơn điều gì trong hôm nay?” 

Viết nhật ký biết ơn là cách giúp bạn bày tỏ sự yêu thương đến với cuộc sống của mình. Mỗi ngày, tự thưởng cho mình 5 – 10 điều biết ơn. Sau 1 năm, chiếc giỏ của bạn sẽ ăm ắp lòng biết ơn. Một chiếc giỏ ăm ắp lòng biết ơn sẽ mang đến điều gì? 

Đó là hạnh phúc. “Lòng biết ơn là gốc rễ của tất cả hạnh phúc” – Thích Nhất Hạnh.  Trang nhật ký ngập tràn con chữ biết ơn luôn là trang nhật ký đẹp nhất trên đời. 

Cách viết nhật ký biết ơn: 

  • Đặt câu hỏi: “Tôi biết ơn điều gì trong hôm nay”. Bạn ghi lại 5 – 10 điều giúp bạn cảm thấy biết ơn. Đó có thể là những điều giản đơn hoặc hiển nhiên trong cuộc sống này: một buổi sáng đẹp trời, mẹ nấu món sáng thơm ngon, một cơn mưa giúp bạn thấy mát mẻ, một cuộc trò chuyện vui vẻ với bạn bè, một bài hay,… 
  • Vì sao bạn biết ơn điều đó?”. Bày tỏ sự biết ơn với cuộc đời, và cuộc đời sẽ yêu thương bạn. 
  • Khi viết nhật ký biết ơn, bạn nên chú tâm vào những điều tốt đẹp xung quanh mình. Đây có lẽ là dạng nhật ký duy nhất mà những con chữ của bạn sẽ tập trung vào cảm xúc tích cực, bỏ qua mọi cảm xúc tiêu cực trong ngày. 

Nhật ký câu hỏi 

“Điều quan trọng là không bao giờ ngừng đặt câu hỏi” – Albert Einstein

Nếu bạn muốn tìm câu trả lời, cách tốt nhất là đặt câu hỏi. Những câu hỏi luôn là tấm bản đồ dẫn bạn đến những vùng đất mới đầy hứa hẹn. Do vậy, nếu bạn là một nhà thám hiểm bừng bừng ý chí khám phá, cầm tấm bản đồ “nhật ký câu hỏi” lên nào! 

Dưới đây là một số gợi ý mở đầu cho chuyến thám hiểm của bạn: 

  • Nếu tôi được sống lại một ngày trong quá khứ, tôi sẽ chọn ngày nào? Vì sao? 
  • Nếu không có bất cứ giới hạn nào cản bước, tôi sẽ muốn làm những gì? 
  • Điều gì khiến tôi cảm thấy tò mò và muốn tìm hiểu nhất ngay bây giờ? 
  • Nếu tôi có thể thay đổi một điều trên thế giới này, tôi sẽ thay đổi điều gì? 
  • Nếu tôi là một nhà phát minh, tôi sẽ tạo ra điều gì để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn? 
  • Một điều gì đó tôi muốn thử nhưng chưa có cơ hội để thử? 
  • Nếu được đi du lịch miễn phí đến 3 quốc gia, tôi sẽ đến đâu và trải nghiệm những gì? 
  • Nếu phải chọn 5 từ để miêu tả về bản thân mình, đó sẽ là những từ nào? 
  • Nếu tôi được trò chuyện với bản thân trong lai 10 năm tới, cuộc trò chuyện sẽ diễn ra như thế nào? 
  • Giả sử tôi là một kiến trúc sư và sắp thiết kế lại cuộc đời mình, vậy thì cuộc đời lý tưởng nhất của tôi là gì? 

Đọc thêm: 3 câu hỏi khởi đầu cho hành trình thay đổi bản thân của tôi 

Nhật ký kể chuyện 

Nếu một ngày là một câu chuyện, và bạn là nhân vật chính trong câu chuyện đó. Bạn muốn câu chuyện này diễn ra như thế nào? 

Đó có thể là một câu chuyện đời thường về một ngày thường nhật của bạn, hay một câu chuyện tiếu lâm trong khoảnh khắc bạn đụng đầu vô cây vì mải mê xem điện thoại, hoặc có thể là một “thiên anh hùng ca” về cuộc chiến chống lại bài kiểm tra học kỳ của bạn. Viết mỗi ngày của mình thành một câu chuyện, rồi bạn sẽ nhận ra là nó cuốn hút và độc đáo đến nhường nào. 

Bạn đã sẵn sàng viết nên câu chuyện của riêng mình chưa? Hỡi tiểu thuyết gia đại tài! 

Cách viết nhật ký kể chuyện: 

  • Tìm một hoặc nhiều chi tiết đắt giá trong ngày mà bạn nghĩ có thể  viết thành câu chuyện.  
  • Xác định thời gian, địa điểm, và xây dựng bối cảnh cho câu chuyện. “Một buổi sáng đẹp trời, tôi vùi mình trong chiếc chăn ấm áp. Nắng chiếu qua khe cửa sổ, tô lim dim, tự nhủ mình sẽ ngủ thêm 5 phút nữa thôi…” 
  • Bí quyết để có một câu chuyện hay là tạo nên cao trào, nút thắt. “Tôi nằm mơ màng, bất chợt tiếng chuông điện thoại ầm ĩ. Tôi ngồi dậy, nhấc máy: Alo, mày đến trường chưa, nay lớp điểm danh mà không thấy mày đâu hết vậy!?. Nghe tin sét đánh, mắt tôi mở to, tay run run, suýt chút nữa rớt luôn điện thoại…” 
  • Viết kết thúc cho câu chuyện của bạn. Đó có thể là một cái kết có hậu, cái kết mở, bài học đúc kết,… nhưng đừng là cái kết quá “đoản hậu”. “Tôi hớt hải chạy đến trường. Nhưng đến lớp thì mọi người đã điểm danh xong xuôi, tôi gục ngã. Hú vía là giảng viên thấy tôi quá đáng thương nên đã cho tôi điểm danh lại. Kể từ đó tôi rút ra một bài học là đừng bao giờ đi trễ”. 

Nhật ký quan sát 

Nhật ký

“Hôm nay, tôi thấy…”

“Hôm nay, tôi nghe…” 

Bạn có thường xuyên để ý đến thế giới xung quanh không? 

Một chiếc lá vàng rơi, một đàn kiến chăm chỉ tìm thức ăn, chim sẻ nhảy nhót trên sân, nụ cười của người đi đường,… Viết nhật ký quan sát là dịp để bạn sống chậm lại, ngắm nhìn nhiều hơn và tận hưởng mỗi giây mỗi phút trong cuộc sống. 

Ngoài ra, nhật ký quan sát còn giúp bạn trui rèn khả năng quan sát nhạy bén của mình. 

Ôi, nhưng tôi có phải là Sherlock Holmes đâu mà cần quan sát nhạy bén?

Dù là ở bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cũng cần khả năng quan sát tỉ mỉ, tinh tế. Charles Darwin quan sát mỏ chim sẻ trên đảo Galapagos, đây là nền tảng cho thuyết tiến hóa và chọn lọc tự nhiên. Trong quyển trinh thám đầu tay, “Nữ hoàng trinh thám” Agatha Christie quan sát những người tị nạn và binh sĩ Bỉ để tạo nên nhân vật Hercule Poirot (Vụ án bí ẩn ở Styles). Và chắc hẳn bạn vẫn nhớ Isaac Newton và quả táo huyền thoại nhỉ? 

Cách viết nhật ký quan sát: 

  • Bắt đầu từ việc quan sát những chi tiết nhỏ diễn ra trong cuộc sống thường nhật của bạn. 
  • Ghi chép lại các chiếc chi tiết ấy vào nhật ký. Dùng văn phong miêu tả và tận dụng tối đa giác quan của bạn. “Một ngọn gió nhẹ thổi qua, tôi thấy cảm giác man mát lướt trên da thịt. Hương thơm thoang thoảng từ lá cây truyền đến mũi. Tôi nhìn thấy những chú chim sẻ tung tăng trên cành cây, tiếng hót líu lo của chúng nghe thật vui tai…”. 
  • Nêu cảm nhận cá nhân của bạn về chi tiết ấy. “Trong không khí thanh bình của công viên, tôi thấy lòng yên ắng đến lạ, dường như những lo toang trong cuộc sống đã trôi tuột theo những nhịp thở ra của tôi…” 
  • Đưa ra một dự đoán hay kết thúc mở vào cuối dòng nhật ký của bạn. “Nhìn ngắm thiên nhiên tươi tốt như vậy, tôi nghĩ rằng mùa xuân sắp về…”   

Nhật ký tự do 

Viết tất cả những gì bạn muốn viết, đó chính là nhật ký tự do. Bạn thoải mái trút hết mọi suy tư của mình ra trang giấy. Không khuôn mẫu, không công thức, tâm trí sẽ dẫn lối cho bạn. 

Bạn có thể viết với chủ đề tự do. Hoặc kết hợp các dạng nhật ký với nhau. Tưởng tượng trang nhật ký là một nồi nước nóng hổi, và bạn thỏa sức sáng tạo vị lẩu cho riêng mình. Một chút hương thơm của nhật ký thường nhật, một chút the cay của nhật ký cảm xúc, một xíu ngọt ngào từ nhật ký biết ơn… Tuyệt vời! 

Viết nhật ký tự do giúp bạn “tháo xích” cho tâm trí. Tâm trí của bạn nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn và tự do hơn. Bên cạnh đó, viết tự do đôi khi cũng sẽ mang lại những ý tưởng hay ho, qua đó khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong bạn. 

Cách viết nhật ký tự do với kỹ thuật Morning Page của tác giả Julia Cameron, giúp bạn sắp xếp suy nghĩ, giải phóng tâm trí và khởi đầu ngày mới tuyệt vời:  

  • Thời gian viết: Buổi sáng, ngay sau khi thức dậy. 
  • Viết tự do trong 3 trang giấy. Trong khi viết, bạn không cần quan tâm đến lỗi chính tả, ngữ pháp hay câu cú. Tưởng tượng chỉ cần bạn dừng bút 5 giây, toàn bộ chữ sẽ biến mất. Thế nên bạn phải viết không ngừng. 
  • Chú ý đến những suy nghĩ và cảm xúc hiện diện trong bạn. Miêu tả chúng ra trang giấy. 
  • Sau khi viết xong, bạn cất quyển nhật ký và chỉ nên đọc lại những gì mình viết sau 1 ngày hoặc lâu hơn. Đây là lúc bạn “soi gương” chính mình. 

Những lưu ý giúp biến nhật ký trở thành người bạn thân thiết

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn biến viết nhật ký trở thành một thói quen mang lại niềm vui và ý nghĩa: 

Viết cho chính mình 

Trong những ngày tập tành viết nhật ký, tôi thích tạo ra một hình tượng, một hình tượng quá đỗi xa vời. Thậm chí bây giờ đọc lại, tôi không khỏi ngỡ ngàng: “Ai đây?”. 

Tôi viết như thể kể lại cuộc sống của một An nào đó ở vũ trụ 616, chứ không phải chính tôi. Để rồi cuốn nhật ký từ một bộ phim tài liệu biến thành một bộ phim khoa học viễn tưởng, mà nơi đó, An đang giải cứu thế giới. 

Viết cho chính mình. 

Dẫu có bạn không hoàn hảo. Dẫu cho bạn có nhiều khuyết điểm. Dẫu cho bạn có những suy nghĩ, cảm xúc đáng lẽ chẳng nên nói ra. Bí mật này chỉ có cây bút biết, quyết nhật ký biết và bạn biết mà thôi. Cây bút và quyển nhật ký sẽ không tọc mạch bạn đâu! 

Viết nhật ký là thời điểm hiếm hoi trong ngày mà bạn được phép “xả vai”. Vì vậy, đừng giải cứu thế giới bạn nhé! 

Biến nhật ký thành thói quen

“Nào rảnh mình sẽ viết” 

Sau đó, tôi bận rộn. Bận rộn với mạng xã hội, với nằm ườn trên giường, với những trận Liên Minh. Quyển nhật ký thì cứ để đó, bởi vì tôi chưa có thời gian rảnh. 

Để tránh bận rộn như tôi, bạn nên biến viết nhật ký thành thói quen thường nhật của mình. Mỗi ngày, bạn có thể dành một giờ cố định cho quyển nhật ký. Đồng thời cố gắng duy trì khung giờ viết đó đều đặn hằng ngày. 

Tưởng tượng cuộc đời là một bộ phim truyền hình mà bạn vô cùng yêu thích. Mỗi ngày của bạn là một tập phim, hẳn là bạn không muốn bỏ lỡ bất cứ tập phim nào đâu nhỉ? 

Viết ngắn cũng không sao

Một dòng cũng được! 

Hoàn hảo không nên xuất hiện ở đất này 

“Ôi, từ này mình viết sai chính tả rồi!”

“Câu này sai ngữ pháp! Đoạn này lủng củng quá!” 

“Mình viết chán ngắt! Sửa lại cho hay hơn mới được” 

Giải Nobel Văn học không thể tự ứng cử, bằng không tôi đã đem quyển nhật ký của mình đi tranh giải rồi! 

Một thời gian, tôi viết nhật ký như thể sắp viết nên một tác phẩm để đời. Tôi nắn nót từng con chữ, chăm chút từng ý hay ý đẹp, chắt lọc từng luận điểm, luận cứ… Tôi tham vọng biến cuốn nhật ký của mình thành thứ hoàn hảo nhất trên đời. 

Điều này là vô nghĩa đến nhường nào. Tại sao chúng ta lại mong cầu sự hoàn hảo? Quyển nhật ký không nên có sự hoàn hảo. Nó là nơi chúng ta phô bày chính mình, nơi bày tỏ những suy tư, tình cảm hỗn độn, nơi chúng ta trẻ con, bướng bỉnh,… Dù là thế nào, hoàn hảo không nên xuất hiện ở đất này. 

Viết xấu cũng được, viết lủng củng cũng chẳng sao, chỉ cần bạn viết ra những điều chân thật. Đó là quyển nhật ký “hoàn hảo” nhất trên đời. 

Nhật ký là sở thích, không phải nghĩa vụ 

Tôi mệt rã rời, chẳng muốn động tay, chỉ muốn nằm ngủ tới sáng. Thế rồi tiếng nói nội tâm trong tôi bắt đầu ồn ào: “Dậy, viết nhật ký mau lên!”. 

Nằm gật gà một hồi, tôi đành phải ngồi dậy, đụng vào quyển nhật ký với tâm trạng miễn cưỡng. Bấy giờ, tôi đã xem viết nhật ký như một nghĩa vụ, không phải một sở thích mang lại niềm vui. Và như vậy thì không nên chút nào! 

Có những ngày bạn thật sự không muốn viết, thế thì đừng viết (miễn là bạn quay lại viết vào ngày hôm sau). Để nhật ký thành một người bạn luôn thấu hiểu chúng ta, đừng để nó là một ông sếp khó tính lúc nào cũng quát tháo: “Dậy, làm việc mau lên!”

Tổng kết 

“Viết lách là một cách để giải phóng tâm hồn, và nhật ký chính là người bạn đồng hành chân thành nhất.”— Anne Frank. 

Trên đây là 7 loại nhật ký mà tôi muốn giới thiệu đến bạn. Mong rằng chúng sẽ trở thành những người đồng hành đáng tin cậy trên hành trình phát triển bản thân của bạn. Chúc bạn hạnh phúc và tìm thấy kho báu trong những dòng nhật ký của mình! 

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments