Tựa nước chảy, êm đềm nhưng cuốn trôi đất đá. Tựa mây trôi, bồng bềnh nhưng đi vạn dặm. Tựa mầm cây, thuận theo đất, sống theo trời, nhưng sinh sôi thành đại thụ. Chúng không vội vã, không cố gắng, cũng chẳng tranh đấu. Nhưng cuối cùng, chúng vẫn đi đến đích. Bí mật của chúng là gì?
Vì chúng là những bậc thầy trong nghệ thuật Vô vi.
Vậy Vô vi là gì? Và tại sao “không làm” lại có thể giúp bạn tiến xa hơn trên con đường phát triển bản thân? Qua bài viết này, hãy cùng tôi khám phá nhé!
Vô vi là gì?
Đôi khi cuộc sống tựa như một búp hoa chưa nở. Nếu bạn gấp gáp dùng tay kéo cánh hoa ra khỏi búp, cánh hoa sẽ rách nát và úa tàn. Nhưng khi bạn ngày ngày chăm bón và nâng niu nó, rồi sẽ đến thời khác, búp hoa ấy sẽ nở rộ thành một đóa hoa tuyệt sắc.
Đó chính là tinh thần của Vô vi, một tư tưởng đã xuất hiện từ ngàn năm trước trong những trang sách thánh hiền Lão Tử. Vị triết gia này dạy rằng: “Vô vi nhi vô bất vi” – không làm mà không gì là không làm. Nghĩa là, thay vì gượng ép mọi sự theo ý mình, hãy để chúng vận hành theo quy luật tự nhiên.
“Đừng xúi dại tôi! Đây chẳng phải là cách nói thêu hoa dệt gấm của lười biếng hay sao?”
Không! Nếu lười biếng là thụ động né tránh, thì ý nghĩa Vô vi là sự chủ động “không làm”, không can thiệp gượng ép. Nói cách khác, Vô vi là nghệ thuật từ bỏ những nỗ lực kiểm soát vô ích, để mọi thứ phát triển theo trật tự vốn có của nó. Đến khi ấy, búp hoa tự khắc sẽ bung tỏa.
Hãy nghĩ về nước. Nó không cố gắng, không cưỡng ép, cũng không mưu cầu, nhưng cuối cùng vẫn có thể tìm về với biển cả. Bạn không thể gọi nước là kẻ lười biếng đúng không?
Nước luôn luôn vận động, nhưng theo cách tự nhiên nhất.
Đây chính là tinh túy của nghệ thuật Vô vi, như Nhà Hán học Jean François Billeter từng mô tả: “nơi con người và tình thế hòa làm một, đạt đến sự hiệu quả tuyệt đối, tiết chế tối đa năng lượng mà vẫn hoàn thành mỹ mãn mọi việc.”.
Đọc thêm: Self concept: Cùng viết nên định nghĩa con người bạn
Tại sao Vô vi là chìa khóa cho sự phát triển bản thân bền vững?
Đối với tôi, triết lý Vô Vi là một triết lý của sự buông bỏ. Và khi buông bỏ càng nhiều, bạn càng hạnh phúc. Tất cả sẽ quay về với tự nhiên. Con đường phát triển sẽ trở thành một lẽ tất yếu. Như gió thổi từ nơi áp cao về nơi áp thấp. Như nắng mặt trời chiếu đến những nơi cần ánh sáng. Đây là sự phát triển không hề cưỡng cầu, nhưng vô cùng mỹ mãn.
Dưới đây là cách nghệ thuật Vô vi sẽ giúp bạn vững bước trên hành trình phát triển bản thân:
- Bớt kiểm soát, nhẹ áp lực: Sống Vô vi giúp bạn thoát khỏi chiếc bẫy mang tên Nghịch lý kiểm soát (control paradox). Bạn càng cố gắng kiểm soát, mọi thứ càng rối tung. Và khi mọi thứ dần mất kiểm soát, đó là khởi đầu cho cả núi áp lực đè nặng trên vai bạn.
- Tận hưởng niềm vui phát triển: Triết lý Vô vi đề cao tinh thần “làm mà như không làm”. Đó là làm với một tâm thế thoải mái, thư thái, không cưỡng ép, không trông mong thành quả. Điều này giúp bạn có thể tận hưởng niềm vui một cách trọn vẹn trên hành trình phát triển.
- Làm ít được nhiều: Vì tinh thần “làm mà như không làm”, bạn có thể tháo gỡ những rào cản nội tại ngăn bước, tránh tập trung vào những điều vô ích. Từ đó giúp bạn bỏ ra ít năng lượng, nỗ lực hơn nhưng vấn có thể đạt được hiệu suất tối đa.
Vô vi tiến bước trên hành trình phát triển bản thân
Bạn gieo một hạt giống. Để rễ hạt giống sinh trưởng, để thân hạt giống đâm chồi, để lá hạt giống xanh tươi. Trong suốt quá trình, bạn có thể tưới nước, bạn có thể bón phân, nhưng đừng cố thúc ép hạt giống ngay lập tức trở thành cổ thụ. Hãy để nó phát triển một cách tự nhiên nhất, và bạn chỉ cần là một người nông dân chờ ngày gặt hái thành quả.
Bạn đã sẵn sàng phát triển bản thân theo triết lý Vô vi chưa? Nếu có, dưới đây là một vài gợi ý bắt đầu dành cho bạn:
Chấp nhận những điều không thể kiểm soát
Mọi người nghĩ rằng chấp nhận là giương cờ trắng với số phận. Mọi người đề cao sự phản kháng. Thế nhưng, sự phản kháng trước một đối thủ không thể đánh bại là vô ích. Và đối thủ ấy chính là những điều mà bạn không thể kiểm soát được.
Có những chuyện đã qua, có những điều chưa đến, có những đánh giá của người khác, có những bất ngờ ập đến… Tất cả nằm ngoài tầm tay của bạn. Nếu cứ ôm mộng tưởng đưa chúng vào “khuôn khổ”, bạn đã khơi mào cho một cuộc chiến mà bản thân không bao giờ chiến thắng.
Vậy nên, đã đến lúc bạn ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này. Đó là khi bạn chấp nhận rằng bản thân không phải một vị thần toàn năng, và trên đời vốn dĩ có nhiều điều bạn không thể kiểm soát. Đừng cố thay đổi chúng, để chúng tự nhiên và chấp nhận chúng như là một phần tất yếu trong cuộc sống của bạn. Để chúng tự đến rồi tự khắc rời đi.
Một thái độ sống chấp nhận không giúp bạn chiến thắng, nhưng chắc chắn giúp bạn an bình bước ra khỏi cuộc chiến tranh với số phận.
Đọc thêm: Thử thách 30 ngày từ bỏ thói quen suy nghĩ tiêu cực
Nương theo dòng chảy tự nhiên
Tôi từng nghĩ mình là một chú cá hồi, bơi ngược dòng nước dễ như ăn kẹo. Tôi cố gắng tuân theo một lịch trình thường nhật không một kẻ hở, quần quật từ tờ mờ sáng cho đến tận nửa khuya. Tôi tin rằng càng ép bản thân đến giới hạn, tôi sẽ càng mạnh mẽ. Dẫu rằng thân thể và tâm trí rã rời van xin: ”Dừng lại An ơi! Để chúng tôi nghỉ ngơi một chút!”.
Tôi chẳng phải cá hồi, cũng không hề giỏi bơi ngược dòng. Do đó, một lịch trình của “người thành công” như thế chỉ càng khiến sức khỏe và tinh thần tôi ngày một sa sút. Đến một ngày, tôi hoàn toàn kiệt sức và quyết định mặc kệ đời, tôi ngủ trước đã. Vậy là trước khi đến được vạch đích, An – chú cá hồi nhỏ đáng thương đã toi dọc đường.
Bài học rút ra là, nếu bạn không phải cá hồi, đừng cố bơi ngược dòng. Bạn chẳng biết có điều nguy hiểm nào đang rình rập dưới dòng nước ngược cuồn cuộn đó đâu!
Vì lẽ đó, hãy nương nhờ dòng nước – tôn trọng nhịp điệu tự nhiên của chính mình. Ăn khi đói, ngủ khi mệt, làm việc vừa đủ, tận hưởng những điều bạn thích. Và đừng cố gán ghép bản thân vào những điều khiên cưỡng, dẫu rằng chúng có mang lại thành công cho người khác. Vì rất có thể, những điều ấy nằm ở chiều thuận trên dòng chảy của họ, nhưng lại ngược dòng so với bạn.
Tìm ra dòng chảy của bạn
Dòng chảy (Flow) là thuật ngữ được giới thiệu bởi nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmiha. Theo đó, dòng chảy là một trạng thái cân bằng giữa thách thức công việc và kỹ năng của người thực hiện. Trong trạng thái dòng chảy, bạn sẽ hoàn toàn chìm đắm vào công việc đó mà tạm thời gác lại thế giới xung quanh. Điều này không chỉ tạo ra một trải nghiệm thú vị và thỏa mãn, mà còn nâng cao tối đa hiệu suất công việc của bạn.
Trong dòng chảy, bạn “làm mà như không làm”, làm với một tâm thế thoải mái, không gượng ép, áp lực. Bạn chú tâm vào quá trình mà không đặt nặng kết quả. Để mọi việc diễn ra nước chảy mây trôi. Vì lẽ đó, có thể xem dòng chảy là một ứng dụng tuyệt vời của nghệ thuật sống Vô vi.
Dưới đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn bước vào dòng chảy của mình:
- Đặt mục tiêu rõ ràng: Theo đuổi mục tiêu cụ thể, rõ ràng giúp bạn dễ dàng tiến vào dòng chảy hơn so với một mục tiêu mơ hồ, thiếu định hướng. Vậy nên, thay vì “tôi sẽ học tiếng Anh ngay bây giờ”, hãy nói “tôi sẽ làm xong 10 bài tập ngữ pháp tiếng Anh trong vòng 1 giờ tới”.
- Tránh “nguồn nhiễu”: Mạng xã hội, tin nhắn từ người khác, email, thông báo điện thoại,… Dòng chảy là một trạng thái chú tâm, vì thế bạn sẽ chẳng thể nào bước vào dòng chảy trên nền nhạc video TikTok, kèm theo tin nhắn rủ đi nhậu từ bạn bè.
- Điều chỉnh độ thử thách: Đừng để thử thách cao như dãy Himalaya, khi ấy dòng chảy của bạn sẽ đóng băng mất! Đối với thử thách quá khó hoặc quá đồ sộ, bạn nên chia nhỏ nó thành những mẩu công việc nhỏ và dễ hoàn thành hơn.
- Đừng quá áp lực: Buông lỏng và giữ tâm thế thoải mái, không áp lực. Hãy tưởng tượng bạn là dòng nước, thử thách là tảng đá. Đừng áp lực phải đập vỡ tảng đá, chỉ cần nhẹ nhàng luồn lách, dùng nhu chế cương, rồi từ từ cũng “nước chảy đá mòn”.
Đọc thêm: Tìm lại chính mình giữa thế giới xô bồ
Ít hơn là nhiều hơn
“Less is more”
Một cuộc sống tốt hơn là một cuộc sống tối giản hơn. Bạn chỉ có một đôi bàn tay duy nhất, đừng ôm đồm nhiều quá, chúng sẽ rơi mất! Hãy giữ những điều thật sự quan trọng với bạn. Và buông bỏ những điều trông có vẻ “quan trọng”: công việc lặt vặt, món đồ đã cũ, mối quan hệ mờ nhạt,… Những điều mà nếu thiếu đi chúng, Trái Đất của bạn vẫn quay tròn. Đúng vậy, chúng chẳng ảnh hưởng gì hết.
Hãy tập trung vào những điều thật sự giá trị. Nguyên tắc 80/20 chỉ ra, 80% giá trị một ngày của bạn chỉ bắt nguồn từ 20% số công việc. Tức là chỉ cần tập trung vào 20% số công việc đó, một ngày của bạn đã là trọn vẹn. Ít hơn, nhưng trọn vẹn hơn!
Chờ đợi là hạnh phúc
Nếu thành quả mà bạn mong chờ chưa đến, đừng vội vã, nó chỉ đang dần chín muồi mà thôi! Để mọi chuyện thuận theo tự nhiên, tự nó đến, và tự nó đi. Hãy chờ đợi một cách Vô vi. Những cố gắng của bạn ngày hôm nay không hề vô ích, bởi chúng là nguồn nước tốt nhất mà bạn tưới cho hạt giống của mình.
Lời kết
Trong một thế giới xô bồ, người ta xem việc “không làm” là một thất bại. Điều này ám ảnh thôi thúc chúng ta luôn luôn hành động, dẫu chúng nhiều khi chúng chỉ là nỗ lực vô nghĩa, đi ngược với lẽ tự nhiên của mình. Và rồi dòng nước chảy ngược sẽ dần cuốn chúng ta trôi xa hơn khỏi bến bờ hạnh phúc.
Triết lý sống Vô vi là chấp nhận những điều không thể kiểm soát, nghe theo nhịp điệu tự nhiên và trân trọng tất cả những gì diễn ra trên hành trình. Vô vi không phải là buông xuôi, nó là sự buông bỏ. Một khi buông bỏ nỗ lực kiểm soát những điều trái với lẽ tự nhiên của bản thân, ngày nào đó hạt giống mà bạn gieo xuống sẽ tự vươn mình thành cổ thụ.
Qua bài viết này, bạn nghĩ gì về nghệ thuật Vô vi? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé!