“Bạn viết nhật ký đi.”
Nếu ai đó nói như vậy một vài năm trước, tôi nhất định sẽ trừng mắt nhìn họ:” Bị hâm à?”
Viết nhật ký là đặc quyền của những con người thích mơ mộng, nhà văn, nhà thơ mang tâm hồn nghệ sĩ. Thời điểm đó, tôi tự cho rằng mình không phải những người như thế.
Thế nhưng giờ đây, tôi là một tín đồ của nhật ký. Viết nhật ký với tôi là một sở thích, cách thư giãn, hơn hết là một nghệ thuật yêu thương và nâng niu tâm hồn mình.
Có lẽ bạn nghĩ rằng tôi đã trở thành một văn hào hay thi sĩ nào đó, nhưng tôi chỉ là một người bình thường, một người bình thường yêu thích những con chữ. Và đây là cách nhật ký chữa lành tâm hồn tôi.
Tại sao viết nhật ký là nghệ thuật chữa lành?
Tôi đến với nhật ký vào những ngày tăm tối. Thời gian ấy, nếu bạn để tôi tự miêu tả về mình, hẳn là quyển từ điển 3000 từ vựng tiêu cực đã được xuất bản.
Và còn gì tồi tệ hơn là ghi lại toàn bộ sự tệ hại và tiêu cực của bản thân trong một cuốn sổ? Tôi đinh ninh rằng đó là ý tưởng ngu ngốc nhất trên đời.
Cho đến ngày tôi thấy tâm hồn mình như một miếng giẻ lau: nhàu nát và cũ mèm. Nếu cứ tiếp tục thì nơi duy nhất chứa chấp nó là căn bếp của mẹ tôi. Và như thế thì thật bi đát. Vậy nên đã đến lúc tôi phải làm gì đó để cứu rỗi tâm hồn mình.
Thú thật, viết nhật ký gần như là sự lựa chọn cuối cùng, sau khi tôi thất bại bởi những phương pháp có vẻ khoa học khác. Với tâm thế: “chẳng còn gì để mất”, viết nhật ký cá nhân giống như việc khoanh bừa câu C mỗi cuối giờ thi của tôi vậy.
Tuy vậy, đáp án tôi ít kỳ vọng nhất lại cho ra kết quả chính xác nhất. Tôi viết say sưa, như thể trút hết tâm can ra con chữ. Trong lần tiên viết nhật ký, tôi phủ kín mặt chữ lên 5 trang giấy (trong khi những bài văn trên trường chưa bao giờ quá 3 trang, xin lỗi cô giáo dạy Văn của tôi).
Đó là khoảnh khắc nên duyên giữa tôi và nhật ký. Một mối duyên lành gieo mầm sức sống cho tâm hồn tôi. Dưới đây là những điều chữa lành mà nhật ký mang đến:
Nhật ký là nơi an toàn để bộc lộ cảm xúc, suy tư
“Viết nhật ký là nơi trái tim được nói lên sự thật mà tâm trí thường ngại ngùng che giấu.” – John Eldredge
Viết nhật ký là cách tôi thoải mái bày tỏ mọi tâm tư, tình cảm. Thế giới bên ngoài không cho phép tôi làm như vậy, nên tôi thường giấu nhẹm những điều muốn nói vào trong tim.
Thế nhưng, những suy nghĩ và cảm xúc được giấu đi giống cơm trong nồi cơm điện. Nếu tôi không ăn, chúng sẽ ôi thiu. Và một khi ôi thiu, chiếc “nồi cơm điện” đáng thương sẽ là người gánh chịu hết thảy.
Vì vậy nếu như không ăn, tôi sẽ đem cơm ra chỗ khác.
Bạn chắc chắn không muốn rửa một chiếc nồi cơm điện với đầy cơm ôi thiu đâu nhỉ?
Nhật ký giúp tôi thấu hiểu bản thân
“Những gì tôi viết trong nhật ký không chỉ là suy nghĩ, mà còn là sự thật về chính con người tôi.” – Tara Westover
Viết nhật ký hằng ngày giúp tôi thấu hiểu bản thân mình. Quyển nhật ký là chiếc gương phản chiếu con người chân thật của tôi. Những suy tư, cảm xúc được ghi chép giúp tôi hiểu rõ bản thân là ai, thật sự muốn và không muốn điều gì.
Đây còn là chiếc kính thiên văn để tôi nhìn thấy những vì sao xa xôi trong tâm hồn mình.
Tôi trò chuyện với điều sâu thẳm nhất qua những con chữ. Tôi khám phá những góc khuất mà trước giờ mình thường bỏ mặc. Tôi dõi theo những vết thương hằn sâu trong tâm mình. Tự hỏi rằng chúng đến từ đâu, và làm thế nào để chữa trị?
Nhật ký giúp tôi giải phóng áp lực, lo toang
“Viết nhật ký giống như trút bỏ gánh nặng từ tâm trí xuống trang giấy, để bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn sau mỗi dòng chữ.”– Christina Baldwin
Tôi tìm đến quyển nhật ký mỗi lúc cảm thấy áp lực hay lo lắng. Những con chữ có sức mạnh thần kỳ, đánh bay hết tất cả những gánh nặng trong tâm trí tôi.
Theo một nghiên cứu năm 2018 của JMIR Metal Heath, viết nhật ký làm giảm đáng kể mức độ căng thẳng, đau khổ tinh thần đối với những người mắc chứng rối loạn lo âu.
Bên cạnh đó, nhật ký giúp tôi thấy được nguyên nhân đằng sau những áp lực hay lo toang. Đôi lúc chúng bắt nguồn từ những suy nghĩ, cảm xúc ngớ ngẩn đến buồn cười:
“Nếu lỡ thiên thạch đâm vào Trái Đất thì sao?”
“Nếu lỡ đại dịch zombie bùng phát thì sao?
“Nếu lỡ mình đột nhiên bị hói thì sao?”
Tôi rất dễ gắn mác vô hại cho những suy nghĩ như vậy. Nhưng để mặc chúng mưu ma chước quỷ, lâu dần chúng sẽ trở thành quỷ vương, và tôi thì chẳng phải anh hùng.
Do vậy, trước khi chúng kịp tác quái, tôi sẽ đá chúng ra khỏi vương quốc.
Trò chuyện mà không sợ phán xét
“Khi thế giới không hiểu bạn, nhật ký sẽ luôn ở đó, sẵn sàng lắng nghe bạn mà không một lời phán xét.”– Sue Monk Kidd
Hồi bé, tôi luôn ước mình sẽ có một chú mèo Hello Kitty. Hello Kitty có chiếc tai to và không có miệng. Nghĩa là chú mèo ấy sẵn sàng lắng nghe những câu chuyện của tôi mà không một lời phàn nàn hay chê bai.
Bây giờ tôi đã tìm thấy Hello Kitty của riêng mình, nhật ký. Cuộc đối thoại với nhật ký là nơi tôi luôn được lắng nghe và giải bày tâm trạng. Nhật ký sẽ chẳng bao giờ phàn nàn vì tôi viết sai chính tả, hay tỏ ra khó chịu khi tôi thể hiện mặt trẻ con nhất của mình.
Cuộc trò chuyện với nhật ký như cuộc trò chuyện với một người bạn tri kỷ, nơi tôi có thể được thấu hiểu và bao dung, và cả sự đồng điệu trong tâm hồn.
Nhật ký giúp tôi thư giãn
“Từng dòng chữ trong nhật ký như những nhịp thở, giúp tôi xoa dịu tâm trí và tái tạo năng lượng.” – Rupi Kaur
Giữa thế gian bộn bề, viết nhật ký là hoạt động giúp tôi thư giãn và thả lỏng tâm trí mình. Mỗi con chữ viết ra, tôi cảm nhận được sự bình yên và thư thái đến lạ kỳ. Tâm hồn xao động dần tĩnh lặng, thân thể mệt nhọc dần buông lơi. Viết nhật ký là món quà giúp tôi tận hưởng những điều yên vui trong cuộc sống này.
Cách viết nhật ký chữa lành tâm hồn
Để viết nhật ký, bạn cần những gì? Một buổi chiều hoàng hôn nắng vàng? Một bãi biển sóng vỗ rì rào? Một tâm hồn văn sĩ dễ rung động với cuộc đời? Nếu bạn có cả ba, vậy quá tốt! Nhưng nếu không, bạn chỉ cần một cây viết, một quyển sổ và một trái tim muốn giải bày. Vậy là đủ rồi!
Cùng tôi tìm hiểu cách viết nhật ký chữa lành tâm hồn nhé!
Thiết lập bối cảnh
Trước khi đặt bút, tôi chọn một nơi yên tĩnh, quen thuộc và đủ ánh sáng. Đó là nơi tôi thấy “an toàn” để quay về với con người thật của mình. Đó thường là phòng ngủ, trên bàn học hay tại một chiếc ghế đá yên tĩnh ngoài công viên,…
Ở nơi đông người, tôi sẽ lánh vào một góc khuất hoặc tìm nơi vắng vẻ hơn, đảm bảo rằng sẽ không ai can dự vào cuộc trò chuyện giữa tôi với quyển nhật ký.
Tôi thích viết nhật ký vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Đây là thời gian tuyệt vời để tôi nhìn lại một ngày của mình. Ngoài ra, viết nhật ký buổi tối giúp tâm trí tôi thư giãn, tránh xa mạng xã hội và màn hình điện thoại. Từ đó giúp tôi ngủ ngon giấc hơn.
“Nhưng An ơi! Tôi không thích viết vào buổi tối, vậy sao giờ?”
Buổi sáng, sau khi thức dậy cũng là thời điểm lý tưởng. Viết nhật ký buổi sáng giúp não “tập thể dục” nhẹ nhàng, qua đó nâng cao khả năng tập trung và sáng tạo cho ngày mới.
Để thú vị hơn, tôi thường nghe nhạc trong khi viết. Đó có thể là nhạc không lời (Instrumental Music), âm thanh thiên nhiên (Nature Sound), nhạc cổ điển (Classical Music), nhạc thư giãn (Relaxing Music),…
Tuy nhiên, tôi sẽ không nghe nhạc có lời. Bởi vì lời bài dễ khiến tôi mất tập trung. Hơn nữa, tôi không muốn nhật ký của mình chỉ toàn là lời bài hát Baby Shark đâu!
“Ngày hôm nay bạn cảm thấy như thế nào?”
Tâm trí hết sức kỳ quặc. Nó muốn hạnh phúc nhưng lại chống đối những thứ mang tới hạnh phúc. Vì thế nếu tôi mở đầu bằng “Tôi muốn hạnh phúc”, “Tôi muốn chữa lành”, thì toàn bộ buổi viết sau đó sẽ diễn ra với sự đề phòng của tâm trí.
Do vậy, tôi thường mở đầu bằng câu hỏi: “Ngày hôm nay bạn cảm thấy như thế nào?”.
Tâm trí có nhiều điều muốn nói hơn chúng ta nghĩ. Nó muốn giãi bày, rằng nó đã cố gắng ra sao, rằng nó đã thành công như thế nào, và nó đã thất bại điều gì.
Tôi gọi bước này tốc ký cảm xúc. Chúng ta mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách để tâm trí nói ra tất cả những điều nó muốn nói. Rồi dần dần cuộc trò chuyện sẽ trở nên thân thiết hơn, hệt như cách hai người bạn tâm sự cùng nhau.
Tâm trí sẽ bỏ xuống chiếc áo giáp của mình, bởi nó biết tôi là người luôn sẵn sàng lắng nghe nó.
Viết tự do
Một khi tâm trí coi tôi là bạn, nó sẽ nói thật nhiều. Bấy giờ cuộc trò chuyện không chỉ xoay quanh ngày hôm nay, mà là bất cứ điều gì. Một kỷ niệm khó quên trong quá khứ, một mong ước trong tương lai hay những suy nghĩ vẩn vơ, những điều luôn giấu giếm vì cho rằng :”Nói ra là xấu”. Tất cả đều được ghi lại.
Đây là bước viết tự do (Free Writing). Dù là niềm vui, nỗi buồn, cảm xúc tiêu cực hay tích cực, tất cả sẽ được tôn trọng, bởi trong nhật ký không có sự phán xét mà chỉ có sự trung thực. Như triết gia Jean-Paul Sartre từng nói: “Chúng ta không viết để tạo nên hình tượng, mà để tìm kiếm sự thật về chính mình trong từng câu chữ.”.
Viết ra hết cõi lòng giúp tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Đôi khi những cảm xúc bám riết tôi suốt mấy ngày liền, đem ra trang giấy thì bỗng chúng biến mất tăm. Có những suy nghĩ luẩn quẩn rối bời, nhưng hễ viết ra nhật ký là lại rõ ràng hơn bao giờ hết.
Qua viết tự do, tôi để tâm trí tự trả lời những câu hỏi mà nó đặt ra cho chính mình. Đối với tôi, đây đơn giản chính là cách chữa lành hữu hiệu nhất.
Đọc lại
Tôi thích đọc lại nhật ký của mình. Đọc lại những lời tâm trí vừa nhắn nhủ. Đó là cả một kho báu! Một kho báu quý giá nằm sâu dưới lòng đại dương nay đã nổi lên mặt nước.
“Vì sao tôi viết như vậy?”
“Bài học rút ra ở đây là gì?”
“Giải quyết chuyện này như thế nào?”
Tôi học hỏi từ quyển nhật ký. Nó gợi mở vấn đề, cũng như là chìa khóa để tôi tìm đến cách giải quyết. Nó giúp tôi soi chiếu và thấu hiểu bản thân. Việc đọc lại nhật ký giống như soi gương, nhưng chiếc gương này có thể soi được cả những điều chân thật nhất trong tôi. Và tôi thì không muốn gọi nó là gương chiếu yêu đâu.
Tuy nhiên, nhìn lại nhật ký cũng có rủi ro. Đó là khi tôi trách móc, chỉ trích những con chữ của mình.
“Tại sao mình lại có những suy nghĩ tệ hại như vậy cơ chứ!”
“Cảm xúc này thật đáng ghét!”
“Ngày hôm nay của mình quá thất bại”
Điều này chỉ khiến tâm hồn càng héo hon. Thế nên tôi thà lật lại nhật ký như xem báo lá cải, hơn là soi xét nó như một luận án tiến sĩ nhằm vạch lá tìm sâu.
Biết ơn
“Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Nó đến từ hành động của chính chúng ta, bắt đầu từ việc biết ơn những điều nhỏ bé.” – Dalai Lama. Biết ơn có giá miễn phí, nhưng nó là thần dược chữa lành tâm hồn.
Vì thế tôi thường tìm ra 3 – 5 điều mình biết ơn trong khi viết và đọc lại nhật ký. Ban đầu tôi nghĩ việc này rất khó, nhưng sự thật dễ như ăn bánh. Sự biết ơn luôn luôn ở quanh tôi, chỉ cần để ý một chút là nhìn thấy cả bầu trời đầy sao.
Một ông chú tốt bụng nhắc nhở tôi gạt chân chống xe, nụ cười của một bạn nữ trên đường, cây xanh che bóng mát, hoa nở rộ muôn sắc chờ người chiêm ngưỡng,… Tôi biết ơn với những điều nhỏ nhặt và bình dị trong cuộc sống.
Tôi cũng thường xuyên biết ơn chính mình. Tại sao không chứ? Biết ơn vì mình đã viết nên những dòng nhật ký này. Biết ơn vì mình đang phấn đấu tốt hơn mỗi ngày. Biết ơn vì mình đã sống trọn vẹn ngày hôm nay,… Viết nhật ký là cách tôi bày tỏ lòng biết ơn đến cuộc đời này.
Một tâm hồn được vun trồng bởi sự biết ơn, chắc chắn là một tâm hồn tươi tốt!
3 kỹ thuật giúp hành trình viết nhật ký chữa lành thú vị hơn
Chúng ta đã có món chín, giờ là lúc nêm nếm gia vị. Vậy đâu là những gia vị đậm đà giúp nhật ký chữa lành của tôi thú vị hơn? Dưới đây là 3 gợi ý dành cho bạn:
Viết thư
Dùng những lá thư để nhắn gửi tâm tình. Địa chỉ lá thư ở bất cứ đâu: người thân, bạn bè, người bạn muốn xin lỗi,… Hoặc nếu thích, bạn có thể viết thư gửi cho bạn ở quá khứ, bạn ở tương lai. Bạn không cần gửi lá thư đi, bởi những con chữ luôn tự biết nơi chúng cần đến.
Vẽ
Tôi vẽ không đẹp. Bức tranh của tôi họa may chỉ có thể tranh tài ở hạng cân mẫu giáo, nhưng tôi rất thích vẽ. Khi con chữ không thể truyền tải hết tâm tư, tôi sẽ vẽ, vẽ nên những điều muốn nói. Quyển nhật ký sẽ luôn có những bức vẽ nguệch ngoạc, chúng là phần chân thật nhất trong con người tôi.
Đối thoại nội tâm
“Xin chào, An lạc quan đây, hôm nay trời mát mẻ quá, ra ngoài đi dạo là tuyệt cú mèo!”
“Xin chào, An bi quan đây, trời âm u và có mây đen, ra ngoài dạo coi chừng ướt như chuột lột!”
Đây là cách tôi mở đầu một cuộc đối thoại nội tâm trong quyển nhật ký của mình. Đó có thể là cuộc đối thoại giữa “An lạc quan và An bi quan”, “An dũng cảm và An tự ti”, “An chăm chỉ và An lười biếng”. Các buổi trò chuyện như thế thường mang đến cho tôi những góc nhìn mới mẻ và thú vị về con người mình.
“Như vậy lỡ có chiến tranh thì sao?”
Không đâu.
Dù là An nào đi chăng nữa, họ đều có chung mong muốn là mang đến những gì tốt nhất cho tôi. Nên là chẳng có lý do nào để “khai chiến” cả. Hoặc nếu có thì vẫn luôn có một người đứng ra hòa giải. Đó là “An hòa bình”.
Tổng kết
Viết nhật ký là một trong những thói quen yêu thích nhất của tôi. Nhật ký giúp tôi nhìn thấy được những điều sâu thẳm trong tâm hồn mình. Và hơn hết, viết nhật ký chữa lành tâm hồn tôi, vun đắp nó bằng sức mạnh diệu kỳ của con chữ và lòng biết ơn. Từ bao giờ, nhật ký đã trở thành một người bạn luôn vỗ về bên tôi:
“Sao! Có chuyện gì! Kể tôi nghe với nào!”
Bạn đã viết nhật ký chưa? Kể tôi nghe với!