You are currently viewing Nghiện mạng xã hội: 7 điều vô giá mạng xã hội đã cướp mất của tôi

Nghiện mạng xã hội: 7 điều vô giá mạng xã hội đã cướp mất của tôi

“Thằng An này lại nói linh tinh rồi! Mạng xã hội chứ có phải thuốc lá, rượu bia gì đâu mà nghiện?” 

“Tôi xài mạng xã hội mỗi ngày mà có nghiện đâu?”

Nếu như bạn suy nghĩ như thế, thì nghe tôi giải thích cái đã rồi xử trí sau cũng không muộn. Đây là 7 lý do tại sao tôi quyết tâm từ bỏ thói quen nghiện mạng xã hội. Và bạn cũng nên như vậy. 

Vậy nghiện mạng xã hội là gì? 

Một phút thú nhận, tôi nghiện mạng xã hội. 

Điều này nghĩa là gì? 

Nghĩa là nếu bạn cho tôi một ngày rảnh rỗi, tôi sẽ dành cả ngày cho review phim, meme, video đu trend,… Còn nếu bạn cho tôi một ngày bận rộn, tôi chắc chắn sẽ xem video đu trend, meme, review phim,…cả ngày. 

Chờ đã, vậy thì khác gì nhau đâu? Khác chứ! Tôi vẫn sẽ chơi mạng xã hội, nhưng là chơi trong lo sợ. 

Bạn hỏi tôi không thấy chán sao? Đa phần là không, mạng xã hội là một kho nội dung khổng lồ, sao mà chán được? Dù cho thi thoảng thấy chán thì cũng chẳng sao cả, tôi lướt mạng xã hội chưa hẳn vì tôi yêu thích, mà đơn giản vì bộ não bảo tôi phải làm như vậy. 

Dù rằng nhiều khi bộ não cũng chia thành hai phe, một phe như muốn hét lên rằng: “Dừng lại và đi làm gì đó có ích hơn đi, thằng vô tích sự này!”. Thế nhưng, tiếng hét bất lực ấy chẳng mấy chốc bị lấn át bởi tiếng nhủ thầm đầy mê hoặc: “Tiếp đi, vui mà!”. 

Thực chất, nghiện mạng xã hội là một cơn nghiện hành vi (Behavioral Addiction). Nghiện hành vi sẽ gắn chặt bạn với một thói quen hay hành vi nào đó, dù cho người nghiện biết rõ nó sẽ gây hại cho mình. Hành vi gây nghiện có thể là chơi game, cờ bạc, mua sắm, ăn uống,… 

Và tất nhiên, không thể thiếu nhân vật chính của bài viết này, mạng xã hội. 

Bất cứ một lượt thích, tim hay xem video, bài đăng nào, bộ não cũng sẽ cho bạn phần thưởng. Đó chính là Dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh với “phép thuật” giúp bạn hạnh phúc, vui vẻ và thỏa mãn. Đọc sách, đi bộ, học tập, ăn uống,… Bộ não đều sẽ cho bạn Dopamine, nhưng một số hoạt động sẽ mang đến nhiều Dopamine hơn cả. Dùng mạng xã hội, trớ trêu thay là một trong số những hoạt động như thế. 

Bạn đã đã hiểu vì sao mình thích lướt mạng xã hội rồi nhỉ? 

Nghiện mạng xã hội: 7 điều vô giá mạng xã hội đã cướp mất của tôi

Vậy còn nghiện mạng xã hội thì sao? 

Chuyện kể rằng có một cậu bé tên An. Một ngày đẹp trời, cậu trốn tiết chơi net và lần đầu tiên được tiếp xúc với mạng xã hội. Chao ôi! Thế giới mạng xã hội thật thú vị và vô vàn điều khám phá. Cậu say mê xem từng video trên Youtube, tập tành chơi Facebook cho bằng bạn bằng bè. 

Trong cơ thể An, bộ não cũng cảm thấy vô cùng thích thú với mạng xã hội, thế là nó nhủ thầm vào tai cậu: “Cái này hay đó! Tiếp tục đi! Đổi lại tôi sẽ cho bạn thật nhiều Dopamine”.

Vào thời gian đầu, An chỉ cần 30 phút dùng mạng xã hội là đủ vui vẻ nguyên ngày. Thế nhưng thấm thoát thoi đưa, cậu bé dần cảm thấy không thỏa mãn, như vậy là quá ít! 

Trong khi bộ não ngày ngày rót mật vào tai cậu: “Dùng nhiều hơn đi, rồi bạn sẽ hạnh phúc, sẽ vui vẻ và thỏa mãn hơn gấp nhiều lần như thế!”. 

Thế là cậu nhóc sa đà vào chuỗi ngày lướt mạng xã hội không hồi kết, 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ… Càng tiếp xúc với thế giới ảo, An càng thấy thỏa mãn, bộ não đã thực hiện đúng như những gì nó hứa hẹn. Tuy vậy nó cũng thật tham lam, cứ qua một khoảng thời gian, nó lại cho rằng như thế là quá ít, và cần phải có thêm phần thưởng. 

Đáp lại yêu cầu vô lý từ bộ não, cậu nhóc tội nghiệp chỉ có thể nhắm mắt nhắm mũi làm theo. Dẫu cho bấy giờ, An dường như đã nhận ra vấn đề, nhưng quá trễ, cuộc chơi bây giờ là của bộ não, Dopamine và mạng xã hội, còn cậu chẳng qua chỉ là một con quái vật nhỏ sắp sửa bị đem đi hiến tế! 

Nghiện mạng xã hội đã lấy mất của tôi những gì? 

Dùng mạng xã hội 10 năm, tôi không thể tính nổi (và cũng không dám tính) những gì bản thân đã đánh mất. 

Giá như Mark Zuckerberg mở chiến dịch trồng cây qua số giờ dùng Facebook, có lẽ sa mạc Sahara chuyển đã từ sách Địa lý sang sách Lịch sử.

Thế nhưng chẳng có chiến dịch nào như vậy cả, cho nên thế giới không thể tốt hơn vì tôi nghiện mạng xã hội, chỉ có tôi ngày càng tệ hơn vì bản thân nghiện mạng xã hội. 

Nếu bạn muốn thử thách lòng can đảm của tôi, vậy thì ngồi xuống đây, tính xem tôi đã mất những gì kể từ khi trao đời mình cho mạng xã hội: 

1. Thời gian 

“Thời gian là vàng bạc” 

Tôi ngờ rằng bản thân là người giàu nhất thế giới, vì đã ném vàng bạc của mình qua cửa số một cách quá hào phóng. 

Trung bình một ngày tôi mất 6 giờ cho Facebook, Youtube và TikTok. Mỗi sáng thức dậy, tôi lướt Facebook. Bữa trưa của tôi không thể nào thiếu Youtube. Đến tối trước khi đi ngủ, tôi dành cả tiếng đồng hồ cho TikTok. Tôi ăn cùng mạng xã hội, ngủ cùng mạng xã hội.

Tính theo con số này, mỗi tuần tôi tự nguyện hiến dâng cho mạng xã hội 42 giờ (xấp xỉ 2 ngày). Mỗi tháng, tôi mất 180 giờ (xấp xỉ 8 ngày). Nhân lên 365 ngày, tôi hào phóng quăng 2190 giờ. Nghĩ đến 5 năm, 10 năm, ôi thôi, tôi không dám tính nữa đâu. Đừng ai nói cho tôi biết đáp án, tôi ngất mất! 

2. Giấc ngủ 

12 giờ đêm, tôi nằm trên giường, chuẩn bị đánh một giấc ngon lành thì bỗng nhiên “ting ting”. 

Hóa ra có ai đó vừa thả tim tus tôi mới đăng cách đây ít phút. Tôi ngóc đầu dậy, dặn lòng check cái đã rồi ngủ sau cũng không muộn. Bạn muốn nghe chuyện diễn ra tiếp theo không? 

Thế nhưng có lẽ bạn không muốn tôi dùng phần còn lại của bài viết để tóm tắt một bộ phim, hay tường thuật một cuộc chiến giữa các phím thủ trên Facebook đâu nhỉ? 

Trở lại một vài tháng trước, thức đến 2 – 3 giờ khuya là chuyện quá đỗi bình thường đối với tôi. Để rồi sáng hôm sau, hoặc là tôi thức dậy với vẻ mặt uể oải, thiếu sức sống, hoặc là tôi ngủ đến tận trưa. Bất kể thế nào, đồng hồ sinh học của tôi luôn chạy theo múi giờ sao Hỏa. 

Một thời gian dài, tôi thiếu ngủ trầm trọng, hai con mắt thâm quầng, may mắn gần nhà không có sở thú, nếu không có lẽ tôi sẽ bị bắt nhốt vào chuồng gấu trúc mất.

3. Sức khỏe

Những ngày nằm ì với mạng xã hội, buông điện thoại ra tôi chỉ thấy thế giới quay cuồng, hoa mắt chóng mặt, đầu nhức bưng bưng. Hai mắt tôi mỏi nhừ (mạng xã hội đã giúp tăng độ dày chiếc kính của tôi), cột sống như gỗ mục, nhúc nhích là phát ra tiếng “cót két”. 

Tôi sở hữu một thân thể người già trong khi chỉ mới hai mươi mấy tuổi. 

So với mọi người xung quanh, sức khỏe của tôi thuộc dạng yếu, tay chân ốm tong teo. Do vậy, nhiều khi tôi dặn lòng: “Đợi khi nào rảnh, mình nhất định sẽ tập thể dục để khỏe mạnh hơn.”. Tất nhiên, thường thì tôi chỉ hứa suông, ít khi nào thực hiện. 

Vì sao ư? Bởi vì tôi là người giàu nhất thế giới! 

4. Sự tập trung

Thế giới muôn màu của mạng xã hội rõ ràng hấp dẫn hơn nhiều so với đống bài tập và công việc nhàm chán. 

Tôi chẳng biết khả năng giữ tập trung của mình tệ như thế nào cho đến khi ngồi vào bàn học, nhưng trong đầu toàn phát đi phát lại đoạn nhạc ngớ ngẩn mà tôi nghe thấy trên TikTok ít phút trước. 

“Đủ rồi, tập trung học nào!” 

Trong đầu tôi gào thét nhằm át đi tiếng nhạc ngu ngốc đó. Tôi cố gắng giữ cho tâm trí tập trung hết sức vào quyển vở ngữ pháp tiếng Anh trước mặt.   

5 phút sau, tôi nằm trên giường, tay lướt điện thoại, quyển vở ngữ pháp đáng thương thì bị vứt sang một bên. 

5. Sự tự tin 

Một thời gian, “flex” trở thành trend và  người người nhà nhà đu theo. Người giàu khoe biệt thự, siêu xe, những món hàng hiệu đắt đỏ. Người trẻ khoe học vấn, khoe chứng chỉ, 22 mức lương sáu số, 25 tuổi tự do tài chính. Bạn bè xung quanh tôi thì khoe người yêu, khoe công việc đáng mơ ước, khoe những chuyến du lịch sang chảnh đó đây. 

Mạng xã hội khiến cuộc sống của ai trông cũng thật hoàn hảo, ngoại trừ tôi. 

Tôi chẳng có gì để flex cả, cuộc sống chênh vênh, mỗi ngày chật vật sinh tồn giữa thế gian khắc nghiệt. Thừa nhận rằng đó là khoảng thời gian tương đối khó sống đối với tôi. 

Thế nhưng mạng xã hội dường như rất thích nội dung này, nên mỗi ngày dù muốn hay không, tôi đều sẽ lướt trúng một hai bài flex như vậy. Bấy nhiêu thôi là đủ để tôi nghe thấy tiếng “rắc rắc” trong lòng mình, sự tự tin của tôi đang vỡ vụn. 

6. Hạnh phúc 

Nếu như tôi nói mạng xã hội là nhà máy hoàn hảo nhất thế giới, bạn tin tôi chứ? 

Tất nhiên, sản phẩm đáng tự hào nhất của mạng xã hội không phải là nội dung. Đó chính là sự ghen tị. Mạng xã hội là nhà máy sản xuất sự ghen tị hoàn hảo nhất thế giới. 

Như đã nói ở trên, mạng xã hội phủ lên cuộc sống của mỗi người một lớp filter mang tên hoàn hảo. Mọi người ai nấy đều thành công, đều hạnh phúc và đều vui vẻ với cuộc sống của mình. 

Bạn hỏi tôi có thấy ghen tị với họ không? 

Có chứ, tôi ghen tị chết đi được! Và tôi chắc chắn nhiều người cũng giống như tôi. Mạng xã hội tạo ra sự ghen tị như một sản phẩm với dây chuyền sản xuất hàng loạt. 

Nếu không như không có sự ghen tị thúc đẩy, có lẽ cuộc sống của mọi người trên mạng xã hội sẽ “bớt” hoàn hảo đi một chút. Và tôi sẽ không cảm thấy mình là một củ khoai tây lạc giữa rừng nấm truffle nữa. Thế nhưng, mạng xã hội vốn không được tạo ra để hoạt động như vậy. 

Đợi đã, tại sao tôi lại viết về sự ghen tị trong một tiêu đề liên quan đến hạnh phúc? 

Robert Fulghum viết rằng: “Không gì có thể hủy hoại hạnh phúc nhanh hơn lòng ghen tị.” Một trái tim âm ỉ ngọn lửa ghen tị sẽ thiêu cháy tất cả hạnh phúc. Một lẽ hiển nhiên, việc đi tìm hạnh phúc trong nhà máy sản xuất sự ghen tị hoàn hảo bậc nhất thế giới, đối với tôi, hành động đó chẳng khác nào mò kim đáy bể. 

7. Tương lai 

Thời gian, giấc ngủ, sức khỏe, sự tập trung, sự tự tin, hạnh phúc,… Bạn biết tất cả những điều này cộng lại sẽ thành gì không? 

Đúng vậy, đó là tương lai của tôi. Nghiện mạng xã hội giết chết tương lai của tôi. Biến ước mơ của tôi ngày càng trở nên xa vời, ngăn cách tôi trở thành phiên bản tốt nhất trong tương lai. Tôi mường tượng ra một viễn cảnh u ám, nơi hy vọng trong tôi dập tắt, và bản thân chỉ có thể sống lay lắt dựa vào những lượt thích, lượt xem trên mạng xã hội. 

Niềm tin vào tương lai giữ cho ngọn lửa sự sống thắp sáng trong tim chúng ta” – Khuyết danh. 

Một người đánh mất hy vọng vào tương lai, đồng nghĩa họ đã đánh mất cả cuộc đời mình. 

Đọc thêm: 3 câu hỏi khởi đầu cho hành trình thay đổi bản thân của tôi

Vậy mạng xã hội đã cho tôi những gì? 

Viết nãy giờ, tôi có vẻ như chỉ chăm chăm vào những tác hại của mạng xã hội, trong khi phớt lờ những giá trị hữu ích mà chúng mang đến. Đến đây, hẳn bạn sẽ nghĩ thầm: “Mạng xã hội cũng có nhiều lợi ích mà! Bớt bất công đi!”. 

Được rồi, tôi thừa nhận mạng xã hội cũng cho mình rất nhiều, nếu không thì tôi đã chẳng gắn bó với chúng lâu như thế. 

Dùng mạng xã hội cho tôi niềm vui và sự giải trí, mang đến cho tôi những người bạn mới (mặc dù trong đó có những người tôi chắc chắn chẳng bao giờ gặp ngoài đời). Hơn hết, mạng xã hội là một kho tàng tri thức khổng lồ, nơi tôi có thể học hỏi bất cứ điều gì chỉ với một vài cú click chuột.

NHƯNG… 

Tôi cần niềm vui làm gì, trong khi hạnh phúc đã cháy sạch? 

Tôi cần mối quan hệ ảo làm gì, trong khi  bỏ bê cuộc sống thật của mình?

Tôi cần tri thức làm gì, trong khi khả năng học hỏi đã mất đi? 

Và tôi cần tất cả những lợi ích đó làm gì, trong khi tương lai đã bị giết chết? 

Tác giả sách Deep Work – Cal Newport đề cập đến một cách tư duy khiến chúng ta khó từ bỏ mạng xã hội. Đó là tư duy lợi ích nào cũng được. Ông định nghĩa: “Bạn có thể hợp lý hóa việc sử dụng một công cụ mạng nếu xác định được bất kỳ lợi ích tiềm tàng nào khi sử dụng nó, hoặc bất cứ điều gì bạn có thể bỏ lỡ nếu không sử dụng nó”. 

Đáng chú ý, một khi bạn đã tìm thấy một lợi ích nào (dù là nhỏ nhất) của mạng xã hội, bạn sẽ hoàn toàn bỏ qua tất cả tác hại đi kèm của nó. Nghĩa là nếu mạng xã hội mang đến cho bạn niềm vui, bạn sẽ gạt hết đi việc nó tiêu tốn thời gian như thế nào, gây hại cho sức khỏe ra sao và ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn đến mức nào… 

Câu hỏi đặt ra là, liệu lợi ích của mạng xã hội có tương xứng với những gì nó cướp mất của chúng ta? 

Dùng giấy trắng, kẻ 1 cột lợi ích, 1 cột tác hại của mạng xã hội đến cuộc sống.

Trong trường hợp của tôi, mạng xã hội mang đến cho tôi sự giải trí, kiến thức bổ ích và những mối quan hệ mới. Và lấy đi thời gian, sức khỏe, giấc ngủ, sự tập trung, lòng tự tin, tâm trạng hạnh phúc và tương lai của tôi. 

Tỷ số là 7 – 3 (trong đó mạng xã hội đã cướp mất hai thứ quan trọng nhất đối với tôi, hạnh phúc và tương lai). Chung cuộc đội tác hại đè bẹp đội lợi ích với tỷ số không tưởng. 

Vậy nên tôi biết rằng, đã đến lúc phải thoát khỏi thói quen nghiện mạng xã hội đang tàn phá cuộc đời mình! 

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments